Tản mạn về Gốm Nhật

Tản mạn về Gốm Nhật

Lang thang và tìm hiểu về 6 lò gốm cổ của Nhật gồm có • Tambatachikui yaki (Hyogo ken, Sasayama shi) • Bizen yaki (Okayama ken, Bizen shi) • Shiragaki yaki (Shiga ken, Kouka shi) • Seto yaki (Aichi ken, Seto shi) • Tokoname yaki (Aichi ken, Tokoname shi) • Echizen yaki (Fukui ken, Nyugun, Echizen cho)

P1. Tamba yaki (丹波立久井焼)

Tamba yaki là một trong 6 lò gốm cổ của Nhật gồm có

  • Tambatachikui yaki (Hyogo ken, Sasayama shi)
  • Bizen yaki (Okayama ken, Bizen shi)
  • Shiragaki yaki (Shiga ken, Kouka shi)
  • Seto yaki (Aichi ken, Seto shi)
  • Tokoname yaki (Aichi ken, Tokoname shi)
  • Echizen yaki (Fukui ken, Nyugun, Echizen cho)

Đến làng gốm Tamba yaki vào một ngày khá lạnh giữa tháng 11, lá bắt đầu chuyển sang màu vàng đỏ của mùa thu. Cảm nhận đầu tiên là sự yên bình, trong khu bày bán, tạm gọi là chợ nhưng không có sự ồn ào và lộn xộn. Mỗi lò gốm có một gian trưng bày nhỏ, mọi người có thể lựa chọn và mua đồ. Một ý tưởng cũng rất hay, sau khi xem nếu thích sản phẩm của lò gốm nào thì sẽ đến trực tiếp lò gốm đó, vì cũng tương tự như Bát Tràng nhà mình có rất nhiều nhiều nhà làm gốm. Sau một hồi ngắm nghía lựa chọn thì O.B cũng chọn được 2 cái cốc. Đi cùng một bạn người Nhật đến đây, hai đứa quyết định vào lò gốm Satoru vì thấy sản phẩm của lò gốm này khá đặc biệt so với những sản phẩm cùng loại. Đến lò thấy bác Satoru đang lúi húi mang gốm ra phơi, sắp xếp lại đồ trong gian hàng không quá rộng nằm trong khuôn viên vừa làm nơi sản xuất. Có vẻ không có nhiều người nước ngoài đến làng gốm này và nhất là người Việt Nam (mà đúng thế thật, từ lúc đến đây O.B không thấy có khách nước ngoài nào) nên khi thấy O.B nói chuyện là từ Việt Nam sang, đến đây thăm làng gốm vì rất thích gốm thì bác vui lắm. Ở Việt Nam cũng bán rất nhiều gốm Nhật, có lẽ còn nhiều hơn gốm Việt nhưng thường mọi người biết đến gốm Arita, gốm Kutani, gốm Bizen hay Shino nhiều hơn hoặc chỉ cần biết chung là gốm Nhật mà cũng không cần biết là dòng gốm gì. Trò chuyện với bác một lúc và ngắm gốm nhà bác, chợt thấy bác đi ra lựa lựa, chọn một cái cốc nhỏ xinh, cẩn thận lấy giấy giáp đánh lại phần đáy cốc rồi đưa cho O.B bảo “bác tặng cháu”, thật xúc động những lúc như thế, món quà nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm của những người yêu gốm dành cho nhau. O.B luôn trân trọng những món đồ như vậy.

Đi đến đâu cũng ngó nghiêng và mua gốm cho dù toàn những thứ nhỏ nhỏ xinh xinh mà cũng tiêu tốn của O.B kha khá. Tự cho phép mình được chọn những thứ yêu thích, không phải lúc nào cũng có dịp để thảnh thơi ngắm nghía và lựa chọn.

Trước khi rời làng gốm Tamba yaki hai đứa vào chén một nồi lẩu thịt lợn rừng với miso thơm lừng bốc khói trong cái lạnh của mùa thu nước Nhật.

Đường vào làng gốm

Khu trưng bày và bán sản phẩm của từng lò gốm trong làng

Cửa hàng của một lò gốm trong làng

P2. Bizen yaki (備前焼, Okayama)

Gốm Bizen không mấy xa lạ với người yêu gốm ở Việt Nam và gốm Bizen cũng có vẻ được nhiều người yêu thích, “săn lùng” đặc biệt những người thích gốm mộc như O.B.

Từ trước khi biết Bizen là gốm gì thì O.B luôn bị gốm mộc, xù xì không men mê hoặc, thoạt nhìn cứ như cục đất nung đỏ đỏ đen đen, nặng trịch thế nhưng kiểu gì rồi cũng lại chọn những thể loại đó. Dần dần khi mua nhiều gốm, đọc và tìm hiểu nhiều hơn thì mới biết gốm ở bất kỳ nước nào cũng có nhiều dòng nhiều kiểu cho dù có thể vẫn mang một nét chung nào đó. Trong số “kho tàng cổ tích” gốm mà O.B tha lôi về gốm Nhật chiếm khá nhiều, một phần là do O.B thích gốm Nhật nhưng một phần cũng là do O.B cơ có hội được lần mò ở Nhật nhiều hơn so với nước khác và hơn nữa, ngay cả ở Hà Nội thì cũng có vô số cửa hàng gốm Nhật để mà lọ mọ.

Vẻ đẹp của gốm Bizen đến từ đất sét, màu sắc dao động từ màu đỏ sang mầu nâu đậm. Điều mà nó trở nên độc đáo đó là trong suốt chiều dài lịch sử, đồ gốm Bizen không tráng men và chưa từng có trang trí. Trong quá trình nung, người thợ gốm khéo léo điều chỉnh nhiệt độ bằng cách lần lượt xen kẽ nạp thêm nhiệt lượng rồi lại làm mát đi. Phương pháp nung này sẽ mang tới cho sản phẩm những thay đổi về màu sắc hoặc là nguyên màu đất sét và được gọi là Higawari - sự thay đổi hay “sự biến đổi của lửa”. Đây là kỹ thuật khó và đã bị thất truyền. Những sản phẩm được sản xuất trong vùng thời Edo đều có màu đồng nhất và đặc điểm chung được coi trọng của chúng là sự ứng dụng thực tế hơn là yếu tố nghệ thuật.

Đến thế kỷ 20, sau suốt một thời gian dài một số ít thợ gốm tài ba đã quyết tâm làm nhiều thử nghiệm thất bại cũng không ít, thì kỹ thuật Higawari đã được khôi phục trở lại. Những người thợ gốm dùng loại gỗ mềm, như gỗ thông để nung gốm và gỗ này sẽ chế xuất ra loại tro mềm, mịn. Loại tro sáng này sẽ bị gió lò hút và bám vào bề mặt gốm trong quá trình nung và tạo ra một loại men sáng. Trong một số trường hợp, ngẫu nhiên tro bay và dính vào những điểm tối thì sẽ tạo ra những họa tiết hấp dẫn trên bề mặt giống như những hạt vừng, những sản phẩm này được gọi là Bizen goma, một loại tiêu biểu trong dòng gốm Bizen.

  Có thể nói đặc trưng của gốm Bizen là gốm được tạo hình bằng nặn tay hoặc chuốt bằng bàn xoay,  không dùng men nhưng gốm lại rất đa dạng về màu sắc và hoa văn, được hình thành trong quá trình nung gốm dài ngày. Đó là do xương gốm chứa nhiều thành phần kim loại, được biến đổi nhờ nhiệt độ; tàn tro của củi thông và rơm đốt trong lò bám chồng nhiều lớp lên bề mặt gốm. Màu gốm (Yakiiro – 焼き色) chính là cội nguồn của vẻ đẹp gốm Bizen, nó là điều thần bí mà những người nghệ nhân gốm đã tạo nên bằng chính kinh nghiệm, sự tính toán kỹ lưỡng của mình kết hợp với yếu tố ngẫu nhiên trong quá trình nung gốm.

Các loại Bizen phổ biến:

  • Goma (胡麻): trên bề mặt gốm như có những hạt vừng bám vào do tro của củi thông bám vào trong quá trình nung. Gốm có màu trắng, vàng hoặc xanh

  • Sangiri (桟切):

Màu gốm chuyển từ đen sang xanh xám trên bề mặt gốm.

Tàn tro bám một phần trên gốm, do quá trình lưu thông trong lò bị yếm khí, phần gốm này bị biến màu.

Tương truyền ngày xưa trong lò người ta thường sử dụng những tấm kê  (tấm kê này gọi là San) để đặt gốm trong lò, những sản phẩm đặt phía dưới tấm kê hình thành nên những hoa văn kiểu này nên được gọi là Sangiri.

  • Hidasuki (火襷)

Xương gốm được bọc trong rơm hoặc trong dụng cụ chuyên dụng để đưa vào lò nung (Saya), lửa không tiếp xúc trực tiếp với bề mặt gốm. Toàn bộ bề mặt gốm biến màu nâu nhạt, những phần có rơm bao phủ sẽ chuyển thành những vệt màu đỏ tươi. Họa tiết của Bizen Hidasuki được hình thành là do tác dụng phản ứng hóa học của thành phần Kali chứa trong rơm với thành phần oxit sắt chứa trong đất sét.

  • Bizen Botamochi (牡丹餅)

Loại gốm họa tiết được hình thành trong quá trình nung trông giống như những chiếc bánh dày nhân đậu đỏ (Botamochi) nên được lấy tên như vậy.

Về kỹ thuật thì tương tự như gốm Bizen Hidasuki, sử dụng những vật liệu lót để tạo nên hoa văn hình tròn này.

  • Ao Bizen (Bizen xanh 青備前)

Khi nung ở những vị trí oxy không tới được trong lò sẽ dẫn tới phản ứng lấy oxy từ trong vật chất (phản ứng hoàn nguyên). Sản phẩm được nung ở trạng thái hoàn nguyên mạnh này sẽ hình thành màu xám xanh. Càng thiếu oxy thì màu xanh càng nhạt dần.

Gốm Aobizen rất khó để tạo ra vì không phải muốn là được. Hơn nữa trong lò những vị trí để có thể xảy ra trạng thái hoàn nguyên đến độ này rất ít, do vậy sản phẩm này rất quý hiếm.

  • Kuro BizenBizen đen 黒備前)

Do thành phần oxit sắt chứa nhiều trong đất, trong quá trình nung tan chảy trên bề mặt, biến màu đỏ tía (shisoiro) thành màu đen.

  • Shiro Bizen (Bizen trắng 白備前)

Tương truyền, ngày xưa tầm thế kỷ 18, người ta sử dụng đất sét trắng làm xương gốm, men trắng hoặc men trong, nung ở nhiệt độ cao tạo ra dòng Bizen trắng. Sau đó sử dụng đất sét chứa ít thành phần oxit, không dùng men mà vẫn tạo ra sắc trắng cho gốm Bizen. Dòng sản phẩm này rất ít vì có những thời kỳ không thể làm ra loại gốm này, và cũng tùy thuộc vào kỹ thuật của thợ gốm cho ra những sản phẩm khác nhau. Dòng gốm Shiro Bizen cổ vô cùng quý hiếm.

________________________

Lược dịch và tổng hợp

https://bizenyakija.com/bizenyakiFeature.html

http://baotanglichsu.vn

Gốm Bizen nhà Tibisea

Bộ trà Kuro Bizen, nghệ nhân Yoshiki Kayama

P3. Shigaraki yaki (信楽焼, Shiga)

 Trong các đồ gốm Nhật, O.B khá thích gốm Shigaraki bởi chất gốm và chất men của dòng gốm này. Trước đây khi chưa biết gốm Shigaraki là gốm gì thì cũng lựa chọn theo sở thích cá nhân, gốm mộc không cầu kỳ. Shigaraki yaki thuộc trong số đó. Đến khi có kha khá bình lọ Shigaraki thì bắt đầu tìm hiểu xem gốm này là loại gốm thế nào.

Trên internet cũng có một số bài viết về dòng gốm này cũng như một số dòng gốm khác của Nhật bằng tiếng Việt nhưng thông tin không phải lúc nào cũng chính xác nên O.B buộc phải đọc cả thông tin trên trang tiếng Nhật.

Shigaraki yaki là một trong những làng gốm cổ nhất ở Nhật, giữa thế kỷ 13, nhiều tài liệu lịch sử ghi lại rằng Shigaraki bắt đầu sản xuất những đồ gốm không tráng men đơn giản có màu sắc khác nhau như màu xám, cam pha đỏ hung hoặc đen. Bề mặt gốm thô khác nhau là do đất sét ở vùng đất này thường chứa nhiều mảnh tràng thạch (長石) và thạch anh có kích thước khác nhau và do gốm được nung trong lò củi Anagama (lò hầm). Chất đất là một trong yếu tố quan trọng hình thành nên đặc trưng của gốm Shigaraki. Đất sét được lấy từ hồ Biwa (Biwako) cùng chung nguồn đất của dòng gốm Iga nên đôi khi hai dòng gốm này có những nét tương đồng từ chất đất.

Quan sát bình gốm Shigaraki sẽ thấy có cấu trúc và màu sắc hoàn toàn tự nhiên từ đất sét, lửa và tro. Lớp phủ xanh (vidro ) được tạo bởi lớp tro nung trong như thủy tinh từ loại gỗ thông dùng đốt lò. Khi nhìn những sản phẩm gốm Shigaraki, người ta có cảm tưởng như đang thấy một mảnh gỗ bị phong hóa hay những tảng đá bao phủ rêu phong. Tất cả những nét đẹp lạ kỳ ấy đều đến từ chất liệu độc đáo, phương pháp nung riêng có và trên hết là kỹ thuật, tay nghề điêu luyện của những bậc thầy làm gốm ở đây.

Ngày nay gốm Shigaraki phong phú và đa dạng về màu sắc và chủng loại, gốm Shigaraki không chỉ có gốm mộc không men, không họa mà có cả dòng tráng men, ám họa, sử dụng đất sét lọc bỏ các thành phần đá trong đất (tràng thạch và thạch anh) hay các sản phẩm với kích thước lớn, các sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng trên thị trường. Nhưng dù sao với O.B, O.B vẫn thích một Shigaraki mộc mạc, giản đơn đẹp bởi chính chất đất, chất lửa được tạo ra từ quá trình nung gốm.

_________________________

Lược dịch và tổng hợp

https://www.daiichiarts.com/

https://ja.wikipedia.org/wiki/%E4%BF%A1%E6%A5%BD%E7%84%BC

http://gomsu.divashop.vn/net-dep-tu-dat-cua-do-gom-xu-shigaraki

Gốm Shigaraki nhà Tibisea

P4. Tokoname yaki (常滑焼, Aichi)

Gốm Tokoname ở Việt Nam hầu hết được biết đến qua ấm trà Tokoname, một loại ấm được coi như là ấm trà Tử Sa của Nhật.

Một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của ấm tử sa là ấm không tráng men, nhưng nước trà không hề bị thấm ra ngoài khi pha. Thế nên những người làm gốm ở Tokoname đã học tập cách làm của ấm tử sa, và sáng tạo ra loại ấm đất đỏ làm từ nguyên liệu ở chính Tokoname. Người đầu tiên làm ấm mà không tráng men đó chính là Sugie Jyumon (1828-1897). Ông áp dụng kỹ thuật làm ấm tử sa lên chính loại đất đỏ tìm thấy ở địa phương mình. Mục tiêu của ông không chỉ đơn thuần là tạo ra loại ấm không tráng men mà ông còn muốn ấm Tokoname có thể làm thay đổi và giữ được hương vị trà giống như ấm tử sa. Ông mày mò thử nghiệm và ông đã thành công. Ấm Tokoname rất được ưa chuộng ở Nhật Bản vì chính khả năng làm cho vị trà ngọt và ‘mượt’ hơn. Loại trà phổ biến nhất ở Nhât Bản chính là trà xanh, ấm Tokoname được xem là rất thích hợp để pha trà xanh vì loại ấm này làm tăng thêm vị ngon (umami) đặc trưng của trà xanh Nhật Bản. Ngoài ra người ta cho rằng loại ấm này còn giúp lưu hương vị trà khiến ấm dùng càng lâu thì lại pha trà càng ngon.

Đặc tính của ấm Tokoname đến từ thành phần đất, đất dùng làm ấm có nhiều thành phần khoáng và kim loại tự nhiên, có khả năng tác động hoá học lên nước trà pha trong ấm. Do đó làm thay đổi hương vị trà theo chiều hướng ngon hơn. Đồng thời bề mặt ấm không tráng men, tạo nên những ‘khí khổng’ hay ‘lỗ chân lông’ li ti trên bề mặt, giúp lưu lại hương vị trà mỗi khi sử dụng.

_______

Tổng hợp và lược dịch

https://www.youtube.com/watch?v=mxvpFs2XYCw

https://danhtra.com/am-tokoname-yaki-va-kha-nang-thay-doi-huong-vi-tra/

https://ja.wikipedia.org/wiki/%E5%B8%B8%E6%BB%91%E7%84%BC

https://www.tokonameyaki.or.jp/about_tokonameyaki.html

Bộ trà Tokoname nhà Tibisea

P5. Seto yaki (瀬戸焼, Aichi)

Yakimono (đồ đất nung nói chung) ra đời từ rất lâu, từ thời cổ đại, thời kỳ Jomon cách đây hơn 10 nghìn năm, nhưng sản xuất yakimono với kỹ thuật cao hơn, mang tính chuyên môn, nung bằng lò thì được cho là bắt đầu từ thời Kofun sản xuất bình đất nung (Sueki 須恵器) được lưu truyền từ Triều Tiên sang. Đầu tiên xuất hiện lò Sanage (さなげよう 猿投窯) ở vùng Tokai vào tầm cuối thế kỷ thứ 5, sau đó lan rộng ra các vùng khác.

Sau đó khoảng nửa đầu thế kỷ thứ 9, bắt đầu hình thành dòng gốm có sử dụng men tro. Thời đó gọi là đồ gốm tráng men Shiki (しき 瓷器). Ở Seto không tìm thấy di chỉ lò nung Sueki nhưng người ta cho rằng lò gốm Seto bắt đầu muộn nhất cũng từ giai đoạn đầu thế kỷ 11 (thời kỳ Heian) với những lò nung gốm tráng men tro.

Đến thời Kamakura, Seto tập trung sản xuất nhiều đồ gốm không men gọi chung là Yama chawan (山茶碗), kéo dài đến giữa thời kỳ Muromachi. Trong giai đoạn này Seto còn sản xuất một dòng gốm khác gọi là Koseto (古瀬戸) là dòng gốm phủ men gọi là Seyutoki (施釉陶器), dòng gốm này chỉ sản xuất ở Seto trong khi các vùng khác vẫn đang sản xuất gốm không men.

Tiếp đến thời kỳ Muromachi, Azuchi Momoyama, thời Wabicha hình thành và phát triển, gốm Seto tập trung sản xuất các đồ dùng trong Trà đạo như chén Thiên mục (được du nhập từ Trung Quốc), hũ đựng nước (Mizusashi), ang trà (Kensui)… Thời kỳ này nhiều lò gốm phát triển trên cả nước, tiêu biểu là vùng Mino (thuộc tỉnh Gifu), ở Mino sử dụng đa dạng các loại men của các dòng gốm như Setoguro, Kiseto hay Shino.

Đến đầu thời kỳ Edo, gốm Seto bị thu hẹp do bắt đầu xuất hiện dòng sứ sản xuất ở vùng Hizen thuộc Kyushu, đồ sứ phát triển rộng trên toàn quốc. Đến cuối thời kỳ Edo, Seto cũng bắt đầu sản xuất đồ sứ. Đồ sứ thời kỳ này gọi là Shinseiyaki (新製焼) hay Sometsukeyaki (染付焼) để phân biệt với dòng gốm truyền thống gọi là Hongyoyaki (本業焼).

Thời kỳ Minh Trị, cả kinh tế và chính trị Nhật Bản có những cải cách mạnh mẽ. Nhà nước thúc đẩy các ngành sản xuất trong đó có gốm sứ. Thời kỳ này Gốm sứ Seto được thế giới biết đến rộng rãi, vào năm 1883 (năm Minh Trị thứ 16), tỉ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 70%.

Những năm đầu thế kỷ 19, các lò gốm ở Seto phát triển quá nhanh, đâu đâu cũng có thể xây lò, các nhà chuyển đổi sang lò đốt than, các lò gốm được hiện đại hóa, sản xuất ra với số lượng lớn và chi phí thấp, đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng “náo loạn”, chất lượng sản phẩm đi xuống. Chính tình hình này đã dẫn tới phải định hướng lại, gốm Seto được tìm tòi nghiên cứu phát triển đi sâu hơn về kỹ thuật, nâng cao tính mỹ thuật cho sản phẩm gốm.

Những năm thế chiến thứ nhất (thời kỳ Taisho), hoạt động sản xuất gốm sứ của các nước Anh, Đức, Pháp bị ngưng trệ do ảnh hưởng của chiến tranh, nhu cầu gốm sứ từ Nhật ngày càng tăng cao, thời kỳ này dòng sản phẩm sứ trang trí sản xuất tại Seto rất được ưa chuộng.

Đến những năm 1929, khủng khoảng kinh tế thế giới, sau đó là chiến tranh Nhật -Trung và thế giới chuẩn bị bước vào thế chiến thứ 2, mọi nguồn lực đều tập trung cho quân đội, ngành gốm sứ cũng bị ảnh hưởng. Tuy vậy ngay trong thời kỳ này, Seto vẫn tiếp tục bảo tồn kỹ thuật truyền thống, sử dụng nhiên liệu là than củi thay cho than đá để duy trì sản xuất các đồ gốm sứ dùng trong sinh hoạt, vượt qua được thời kỳ khó khăn.

Sau thế chiến, ngành gốm sứ Seto gần như không bị ảnh hưởng bởi hậu quả chiến tranh hơn thế do nhu cầu đồ dùng sinh hoạt tăng cao vì thiếu nguồn tài nguyên thời hậu chiến nên ngành gốm sứ Seto phục hồi nhanh chóng, xuất khẩu trở lại, chủ yếu là các set đồ ăn sứ, tượng sứ trang trí. Đặc biệt tượng sứ trang trí xuất khẩu của Nhật được sản xuất chủ yếu ở Seto, trở thành sản phẩm đặc trưng của vùng gọi là đồ Seto-Novelty (đồ sứ mô phỏng tượng sứ trang trí của Đức vào thời kỳ Taisho) 

Men tiêu biểu của dòng gốm Seto

https://www.setoyakishinkokyokai.jp/siru_02_03.html

Gốm Seto với hơn một ngàn năm lịch sử, là vùng làm gốm tráng men duy nhất của Nhật từ thời trung cổ, đến nay Seto vẫn tiếp tục duy trì và phát triển các dòng gốm tráng men của mình.

  1. Men tro men truyền thống với màu xanh lục nhạt ngả vàng bằng cách nung oxy hóa và xanh ngọc nhạt bằng cách nung hoàn nguyên.

     2.Men oxit sắt cho ra màu nâu, nâu đậm hoặc đen

Sản phẩm trong dòng gốm Setoguro hay gốm men thiên mục, gốm men Koseto (Seto cổ).

  1. Men Kiseto (Seto vàng)

Men được phát triển vào thời kỳ Momoyama (thế kỷ 16), khi thợ gốm Seto chuyển đến vùng Mino. Men cho ra màu nâu vàng (黄褐色) do có hàm lượng rất nhỏ oxit sắt.

  1. Men Oribe (織部釉): cũng là dòng men được phát triển vào thời Momoyama những năm đầu thế kỷ 17. Men cho ra màu xanh Oribe nếu nung oxy hóa và cho ra màu men đỏ nếu nung hoàn nguyên.

  1. Men Shino: dòng men có dùng khoáng chất feldspar (trường thạch) cho ra màu trắng sáng bóng dạng tinh vân. Đây cũng là dòng men được phát triển vào thời kỳ Momoyama những năm cuối thế kỷ 16.

  1. Men sứ celadon (青磁釉): bắt đầu được sử dụng khi Seto làm đồ sứ vào những năm đầu thế kỷ 19, cuối thời Edo và phát triển mạnh vào thời Minh Trị.

  1. Men ngọc lưu ly (瑠璃釉): được sử dụng khi Seto làm đồ sứ vào những năm đầu thế kỷ 19, cuối thời Edo. Màu men xanh đậm màu của ngọc lưu ly (lapis lazuli)

________________________

Lược dịch và tổng hợp

https://www.setoyakishinkokyokai.jp/siru_01.html

P6. Echizen yaki (瀬戸焼, Fukui)

Gốm Echizen có từ cuối thời kỳ Heian, cách đây khoảng 850 năm ở tỉnh Fukui. Gốm Echizen ban đầu chủ yếu sản xuất đồ dùng sinh hoạt như chum vại, bình vò, bát nghiền (すり鉢 Suribachi) và đồ thờ cúng như hũ tro cốt…

Gốm Echizen với chất đất chứa nhiều sắt, tính chịu nhiết cao, nung ở nhiệt độ cao (khoảng 1.300 độ trong vòng 1 tuần) cho ra màu gốm đen đỏ hoặc nâu đỏ, không bị ngấm thấm nên thường được dùng làm dụng cụ đựng nước, rượu hoặc để trữ gạo, ngũ cốc.

Gốm Echizen cũng có nhiều giai đoạn thăng trầm. Sau một giai đoạn ngưng hoạt động, cuối thời Edo, Echizen có sử dụng kỹ thuật lò leo liên hoàn của làng gốm Seto nhưng nhìn chung vẫn ở thời kỳ thoái trào. Để khôi phục làng gốm Echizen rất nhiều người đã cố gắng bỏ nhiều công sức nhưng không đi đến kết quả, mãi đến những năm 1975 cùng với sự hỗ trợ của tỉnh Fukui, làng gốm Echizen mới được tái thiết.

Ngày nay làng gốm Echizen đã trở thành điểm du lịch thăm quan và trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước, sản phẩm của Echizen cũng ngày càng được phát triển phong phú và đa dạng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng.

________________________

Lược dịch và tổng hợp

https://www.setoyakishinkokyokai.jp/siru_01.htm

Tản mạn về Gốm Nhật
Chia sẻ bài lên