Ngôi nhà tổ mối với đất nung xứ Quảng Lê Đức Hạ

Ngôi nhà tổ mối với đất nung xứ Quảng Lê Đức Hạ

Xứ Quảng Nam có gì mà làm nhiều người say đắm nhỉ? Với những người yêu gốm Việt, yêu chất mộc mạc của đất nung thì đây nhé, đất nung - Lê Đức Hạ bên dòng sông Thu Bồn...

Lần này chỉ có 2 ngày lang thang ở Hội An và loanh quanh khu gần đó mà nó “thu hoạch” được thật nhiều điều thú vị về con người và sản vật nơi đây. Nó luôn tin rằng có chữ “duyên” trong đó khi được gặp gỡ những con người đáng mến đến vậy. Những người nghệ nhân làng quê, những người dù đang làm công việc gì cũng hết lòng yêu nơi này, yêu những thứ mình đang dày công tạo ra cho dù còn có vô số thứ “trời ơi đất hỡi” dễ làm con người ta nản lòng.

Đi đâu cũng vậy mối quan tâm của nó là “đất nung” chứ không phải đất nền :D (dù là mọi người ai cũng biết câu khẩu hiệu “chuyển đổi đất nung thành đất nền” khi nó xờ tát Tibisea). Nhờ anh bạn có kết nối với hơn nửa thế giới và đến đâu cũng được mọi người yêu quý mà nó có cơ hội “bám càng” đến ngôi nhà tổ mối cùng “nhậu” với anh Lê Đức Hạ và những người bạn (toàn hàng nghệ nhân các bạn ạ, tớ vinh hạnh thế đấy). Xong công việc ở Đà Nẵng, hai anh em thu xếp mọi thứ chóng vánh, ông anh cũng phi thật nhanh đến Điện Bàn “để còn kịp cho em nhìn cái nhà tổ mối đó trước khi trời tối”, có lúc anh quay lại hỏi như để xem nó còn ngồi trên xe không vì sợ với tốc độ đó nó đã bị bay mất :D. Anh dân tổ lái, nghiền xe cào cào, châu chấu, lượn không biết bao cung đường đất Việt. (đấy, ngồi sau xe anh cũng là một vinh dự nữa của tớ). Quả nhiên đến nơi trời mới nhá nhem nên nó vẫn còn kịp chiêm ngưỡng cái công trình có tên “ngôi nhà tổ mối” nghe nói cũng đạt giải kiến trúc đó đây, rất ra gì và này nọ. Nhìn từ ngoài vào đó là một khối hình lập phương được xây bằng gạch với nhiều lỗ thoáng. Nó đẹp và độc đáo là nhờ nó được đặt ở vị trí đó, bên dòng sông Thu Bồn xung quanh là bờ tre, khóm lá, bụi cây và bên trong là không gian trưng bày những tác phẩm đất nung của anh Lê Đức Hạ - con người xứ Quảng yêu mảnh đất này, yêu cái hồn của đất, muốn giữ gìn và phát triển nghề gốm truyền thống, con người bình dị yêu văn hóa xứ Quảng và thấm trong mình tình yêu với cả nét văn hóa Chăm, anh có thể ngồi nói say sưa về vẻ đẹp của tháp Chàm, của các cô gái Chăm với vũ điệu Apsara. Dưới con mắt anh, tháp bên Angkor Wat (Siem Riep, Campuchia) hay các đền đài ở Bagan (Myanmar) không thể đẹp bằng tháp Chàm với những nét chạm khắc tinh xảo trên các bức phù điêu trong nghệ thuật tạo tác của văn hóa Chăm tại đất Việt. Đó cũng là lý do mà trong số các tác phẩm anh làm có rất nhiều tạo hình của văn hóa Chăm.

Rặng tre bên sông Thu Bồn nơi ngôi nhà tổ mối tọa lạc

Đây không phải lần đầu nó nhìn thấy gốm của anh, nó đã được biết đến đất nung Lê Đức Hạ từ trước đó, nó cũng đã có một số món mà trong đó nó thích nhất là bức tượng Phật “an nhiên” luôn đem lại cảm giác thật yên bình. Chính vì thế mà nó luôn muốn được đến lò gốm, được gặp tác giả của những sản phẩm này. Và giờ nó đang ở trong ngôi nhà tổ mối này, không chỉ gặp anh mà còn được gặp bạn bè anh trong một không gian ấm cúng đầy tình thân đến vậy. Trong lúc chờ anh chị sắp đồ, nó được đặc cách đi một vòng tổ mối ngắm các tác phẩm của anh làm trong nhiều năm, một số là sản phẩm thương mại có mẫu sẽ lặp lại, có mẫu là tác phẩm độc bản; và một số là anh làm để chơi không bán :D. Ở đó cũng có trưng bày một vài đồ gốm có men là đồ của bố anh để lại từ thời xưa. Nghe nói ông là một trong những người đầu tiên làm gốm sứ vùng này, loại men “da người” ông tìm ra chưa kịp truyền lại cho anh Hạ nên giờ đã bị thất truyền, thế nên anh Hạ không làm gốm có men nữa mà chỉ làm đất nung. (đó là câu chuyện bên lề tớ được kể cho nghe). Ấn tượng nhất có lẽ là cái bình giỏ cua có đắp nổi 2 bạn cua mà qua thời gian giờ đã gãy càng, gãy chân nhưng vẫn vô cùng sống động. (món đó anh bạn tớ rất muốn “đánh cắp” của anh Hạ mà chưa thành :D).

Nét đặc trưng của đất nung Lê Đức Hạ có lẽ được tạo nên từ chất đất (trầm tích sông Thu Bồn) cùng tâm hồn người nghệ sỹ với tình yêu với đất và lửa. Chất đất nơi đây cho ra màu gốm tươi sáng, cùng cuộc chơi với lửa trong lò nung củi tạo ra nét hỏa biến trên bề mặt gốm mà anh hay gọi là hoa lửa. Anh cũng từng thử với lò nung ga nhưng chưa thành công. Cá nhân nó luôn yêu chất gốm nung lò củi hơn lò ga và vì thế nên nó mừng khi biết anh chưa thành công với lò ga :D

(Photo by anh Phước Tiến)

(để biết gốm nung củi khác gốm nung ga thế nào, các bạn có thể xem thêm trong bài:

https://tibisea.com/articles/29615479)

Bên bàn ăn mọi người trò chuyện rôm rả, những câu chuyện đời thường, câu chuyện nghề, đôi lúc vòng về cái thời anh bạn tớ cùng một bác người Nhật rong ruổi khắp làng nghề Quảng Nam trong một dự án bảo tồn của JICA nhiều năm về trước. Đây cũng là nhân duyên mà anh gặp được những người nghệ nhân làng nghề đáng kính và đáng mến này. Mối thân tình đó vẫn còn được duy trì đến tận giờ và tớ tin rằng sẽ còn kéo dài nhiều nhiều năm sau nữa. Tớ chỉ ngồi “hóng chuyện” mà mắt chữ o, mồm chữ a, ừ có nghe thì mới hiểu và thêm yêu con người, sản vật nơi đây. Thực sự mong cho tâm huyết của các anh chị em được hiện thực hóa, được mọi người ủng hộ, nhất là chính quyền mà mọi người trêu đùa gọi là “CHXHCN HA”. Suốt cả tối căn nhà tổ mối đầy ắp tiếng nói, tiếng cười, rồi còn cả tiếng thơ, tiếng hát nữa. Veo một cái đã gần 11:00 giờ đêm, dù không muốn nhưng mọi người cũng phải chia tay nhau ra về, hẹn ngày tái ngộ.

chỗ trống là của anh Hạ, người chụp bức hình này :)

(mọi người vô bàn, vô bàn thôi :D)

Hai anh em lên đường về khu Nhà vườn Triêm Tây (Điện Bàn, Quảng Nam; (https://thoibaonganhang.vn/anh-nha-que-quang-nam-21656.html).) khi trời đã tối mịt nên được đội anh em lái nguyên con xe Jeep xịn xò hộ tống. Triêm Tây là một khu không hẳn homestay nhưng cũng gần như vậy, đây là “khu làng” của chú kiến trúc sư Việt kiều Pháp - Bùi Kiến Quốc xây dựng năm 2009, chú đang ấp ủ làm nhiều thứ cho khu làng này để sao nó như là nơi quy tụ tinh hoa làng nghề truyền thống xứ Quảng có thể gọi là “Làng nghệ nhân”, là “hub” - nơi kết nối giữa khách du lịch yêu văn hóa truyền thống với các làng nghề nơi đây. Buổi sáng hôm sau mấy anh em ngồi uống trà cùng chú Quốc, được nghe về những dự định, được nhìn công trình vẫn đang còn tiếp tục mà lòng đầy ngưỡng mộ. Biết là sẽ còn nhiều thứ phải làm để hiện thực hóa ý tưởng, những thứ đó không hề dễ dàng nhưng nó luôn mong những điều đẹp đẽ, thú vị này sẽ sớm thành hình…

Buổi sớm bình minh tớ đi dạo một vòng, yên bình đến khó tả

Bên bàn trà buổi sáng

Đã trở về nhà, về với công việc thường nhật mà vẫn văng vẳng tiếng trò chuyện dễ mến của các anh chị. Thấy mình thật may mắn khi có được những trải nghiệm này, thật biết ơn những con người đáng kính. Cuộc sống luôn nhiều mảng màu, thi thoảng gặp màu xám thôi chứ nó thật thi vị và đáng tận hưởng.

Thoang thoảng đâu đây mùi lúa bên đồng khi hai anh em chạy xe, hương sen man mát của chén trà buổi sáng…

Chào Hội An, chào đất nung, hẹn ngày gặp lại…

____________

Tớ đã xin mua một tác phẩm, ông cụ người dân tộc hút tẩu nhưng chiếc tẩu qua thời gian đã bị gãy, giờ trông như cụ đang cầm chén trà :D

Thế nên tớ rót mời cụ một chén trong làng Triêm Tây

Cụ về Tibisea

Bức tượng Phật an nhiên mà tớ rất thích

Mời các bạn ghé Tibisea ngắm thêm một số tác phẩm đất nung của nghệ nhân Lê Đức Hạ và còn rất nhiều gốm đẹp khắp vùng miền khác nữa nhé.

___________________________________

Các bạn cũng có thể xem thêm thông tin trên website của Đất nung Lê Đức Hạ

https://www.datnungleducha.com/pages/about-us

https://www.datnungleducha.com/blogs/news/mo-trang-gom-moi-tren-nen-gom-co

Do dịch Covid vừa rồi mà con anh Hạ từ nước ngoài về hỗ trợ thêm cho anh khâu bán hàng và quảng bá sản phẩm.

Ngoài không gian tại tổ mối (Điện Bàn, Quảng Nam) thì các bạn có thể xem và mua hàng tại cửa hàng ở 23 Phan Châu Trinh, Hội An. Cá nhân tớ cảm nhận thì tại cửa hàng hầu hết bán các sản phẩm đại trà, phổ thông tiện làm quà tặng, những sản phẩm độc đáo, mang tính tác phẩm thì lại ở tổ mối nhé,

 Nhân tiện giới thiệu thêm, tại cửa hàng 35 Nguyễn Thái Học, Hội An của anh Phước Tiến cũng có rất nhiều sản phẩm thủ công đẹp, độc đáo (tập hợp sản phẩm của các nghệ nhân thuộc nhiều nghề khác nhau)

(Photo by anh Huy)

Tớ đã tha được một số món gốm xưa ở cửa hàng anh Phước Tiến

Bình gốm xưa vớt tàu ở Cù Lao Chàm, 

"Bonus" thêm một vài địa chỉ ăn uống cá nhân tớ thấy hợp khẩu vị Bắc và rất ngon ở Hội An và Đà Nẵng nhé

1. Cơm gà Phương Oanh (152 Nguyễn Trường Tộ) ở Hội An, ngon hơn hẳn cơm gà bà Buội nhé. Thịt gà mềm, thơm, cơm dẻo, món dưa góp ăn kèm, bát canh đều ngon luôn

2. Quán mì Quảng cô Nghị ở gần biển An Bàng, không biển hiệu, trong một con hẻm nhỏ, hầu hết chỉ người dân địa phương tới ăn, 3 năm trước tớ được em chủ homestay An Bàng Star (chỗ tớ ở) chỉ cho, lần này quay lại Hội An, đạp xe ra An Bàng thăm lại em ấy và để ăn mỳ Quảng của quán cô Nghị. Vị rất vừa, rau ăn kèm là rau của làng Trà Quế thơm ngon.

3. Ở Đà Nẵng thì có Bún bò bà Xinh, tớ là đứa không thích bò nhưng tớ thấy vị ở đây rất ổn, nước thanh, thịt mềm vừa phải, có món hành muối ớt cũng rất ngon, hai anh em tớ còn mua mấy lọ làm quà cho đội ở Hội An, bữa tối ăn ở nhà anh Hạ khui 1 lọ ăn, ai cũng khen ngon.

4. Quán Mậu, bánh tráng thịt heo, thịt mềm, nước chấm ngon. Quán có mấy món nước nhà làm cũng khá ổn, tớ đã thử nước nha đam hạt chia, thơm mát ngọt dịu :))

Một vài thông tin hy vọng là hữu ích cho các bạn thích những đồ thủ công, thích lang thang kiểu như tớ...

Mỗi chuyến đi dù ngắn hay dài đều là những trải nghiệm đáng nhớ!

Ngôi nhà tổ mối với đất nung xứ Quảng Lê Đức Hạ
Chia sẻ bài lên