Dáng và men (Mỹ cảm về gốm thời Lý)

Dáng và men (Mỹ cảm về gốm thời Lý) được trích trong tuyển tập "Nghệ thuật ngày thường" của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Đây là tập hợp những bài viết trong những năm 2000 – 2007 nêu lên những nhận định của ông về nghệ thuật và vị trí của nó trong lòng xã hội Việt Nam hiện đại. Phan Cẩm Thượng được mọi người biết đến không chỉ với tư cách là hoạ sỹ, nhà giáo mà còn là nhà nghiên cứu nghệ thuật viết các bài báo và sách nghiên cứu về nghệ thuật. Thiết nghĩ gốm Việt mình từng có thời thật hưng thịnh, đạt đến vẻ đẹp của "chân, thiện, mỹ" không hề thua kém gốm của các nước trong khu vực và thế giới. Dẫu vẫn biết nghệ thuật nói chung hay gốm nói riêng cần phải làm mới, không thể cứ mãi theo lối mòn nhưng làm sao để gốm Việt tìm lại được chính mình như thời Lý, Trần ấy thì lại là bài toán khó, dường như các làng nghề và người nghệ sỹ vẫn đang loay hoay miệt mài tìm lời giải...

Dáng và men

(Mỹ cảm về gốm thời Lý)

Trích trong cuốn Nghệ thuật ngày thường (tập 1) của NNC Phan Cẩm Thượng

    Cái câu “Nhất dáng nhì da” bấy lâu nay người ta vẫn dùng để đánh giá người đẹp, thì hình như từ việc đánh giá đồ gốm. Dáng gốm và nước men quyết định những cảm giác của ta về nó và là một cảm giác lơ mơ, khó xác định, giống như ta nhìn thấy người đẹp, một bức tranh đẹp, đọc một bài thơ hay, mà không thể phân thích thế nào là đẹp. Tất nhiên, gốm trước tiên là một đồ vật, nên người ta nhìn nhận tính công năng của nó đòi hỏi các yếu tố thẩm mỹ khác, nhưng thực tế phần lớn đồ gốm có tính nghệ thuật ở chỗ thoát ly công năng, như một đồ chơi mỹ cảm thuần túy, hơn là để dùng. Cái thời kỳ mà người ta dùng toàn đồ gia dụng đẹp như gốm Lý để ăn uống có lẽ là thời kỳ rất thanh bình, trong tình cảm bác ái Phật giáo. Tính trịn trọng trang nhã, vẻ thanh thoát giản dị, kết cấu đơn giản mà hàm súc của gốm Lý, có lẽ thấm nhuần ý tưởng Phật tính, như một trạng thái tự nhiên, tự tại, không vui, không buồn và mỹ mãn ở mọi xúc cảm. Một chiếc bát men ngọc, để thu nhỏ, miếng loe rộng, được nhấn nhiều điểm trên thành miệng để biến đường thẳng thành đường cong. Thân bát vuốt hình cánh hoa súng. Lòng bát trổ hoa văn ám họa hoa cúc dây. Nước men màu ngọc bích làm cho hoa văn chìm đi, mà nhìn rất rõ. Cảm giác thành gốm rất mỏng, mà thực ra khá dày. Nước men đục gây cảm giác tiếng gõ không kêu, mà thực ra tiếng gõ rất thanh. Những xúc cảm hết sức trái ngược này nằm gọn trong một chiếc bát, thậm chí ở một mảnh gốm, khiến cho người ta khi cầm một mảnh gốm biết ngay đó là gốm Lý. Nó biểu hiện mức độ sâu rộng của phong cách nghệ thuật phổ quát và ý tưởng nghệ thuật thấm đậm vào từng tế báo nghệ thuật, khiến cho một chi tiết cũng mang đầy đủ đặc điểm của tổng thể. “Gốm Lý” đã trở thành một khái niệm có ý nghĩa là gốm rất đẹp ở phong cách uyển nhã, cũng giống như nói là “thơ Đường”, phần nào lý giải cái phẩm chất “ý tại ngôn ngoại” như là một khái niệm mỹ học.

    Nếu ta cầm trên tay một chiếc bát cao chân vẽ men lam thời Trần thì có một cảm giác khác hẳn. Nó thô dầy, bề thế, đòi hỏi người dùng nó phải khỏe mạnh, trang nghiêm, âu cũng là sự di dưỡng tinh thần ngược lại từ đồ vật nghệ thuật đến con người. So với tính uyển nhã mà gốm men ngọc Lý, định hướng về một tinh thần viên mãn, hướng thượng, tính hùng hậu của gốm thời Trần gợi ra vẻ thiền nhập cuộc. Mỗi một phong cách này đã tiêu biểu chừng hai trăm năm, nằm trong thể thống nhất hoàn hảo của hai tinh thần Phật giáo và hai vương triều hung mạnh sinh ra nó (thời Lý 1010 – 1225, thời Trần 1221 – 1400). Thực ra gốm Lý không chỉ có men ngọc, mà còn có gốm trắng, gốm đen và gốm hoa nâu, và gốm gạch đều nằm trong phong cách phổ quát chính thống chi phối toàn bộ nghệ thuật từ kiến trúc, điêu khắc, trang trí đến nghệ thuật ứng dụng. Cái tổng thể dẫn dắt các chi tiết tuân thủ theo một mỹ cảm, đồng thời tự do trong kỹ thuật và sự gợi cảm riêng của từng nghệ thuật, thể loại. gốm trắng Lý có vẻ trong sáng đặc biệt. Không chút hoa văn, màu mè, nhưng đa dạng vô cùng về dáng vẻ. Các âu khum thành, âu đứng thành, đĩa cao miệng, bát mỏng thành miệng loe… Tạo dáng của chúng được chuốt bàn xoay hết sức tinh vi sao cho không quá khéo, vẫn có cái gì hơi vụng một cách có chủ ý, hay nói cách khác là dừng ở điểm chưa hoàn hảo, tạo ra sức hấp dẫn của cảm quan bù đắp nghệ thuật. Có thể nói đấy là “tài khéo trong sự vụng về”, “cao sang trong vẻ thô lậu” như là tiêu chuẩn đặc sắc của nghệ thuật phương Đông. Men trắng ngả vàng ngà hoặc vàng xanh trắng rất đơn giản màu mà đa sắc. Gốm đen chủ yếu dùng cho các bát miệng loe thông dụng, men chỉ quét 2/3 phần thân trên, còn đáy và chân bát thường không men. Những bát gốm trong lòng phủ men đen hoàn toàn có trang trí hoa văn chân chim hết sức đặc biệt. Người ta dùng chân con chim thật ấn vào lòng bát chưa nung. Khi ra thành phẩm tựa hồ như có con chim từng đi qua chiếc bát. Men đen thô và sâu, đôi khi ngả ra màu bánh mật nồng ấm. Nếu như những chiếc bát men ngọc để dành cho công nương, quý tử thong thả thưởng thức cao lương mỹ vị, trên lầu son gác tía và ngắm mây trôi, thì bát men đen rót đầy rượu ngon chuốc mềm lòng các tráng sĩ, các đạo nhân lang thang giang hồ, gây niềm hứng khởi vô tận cho kẻ lang thang không biết mình đi đâu và ngâm câu thơ của Lý Bạch “Hoa gian nhất hồ tửu. Độc chước vô tương thân” nghĩa là “Trong hoa có một vò rượu. Một mình uống không ai là người thân”.

(Tháng 2/2003)

Chia sẻ bài lên