LÀNG CỔ, GỐM PHƯỚC TÍCH (HUẾ)

Phước Tích là một trong số hiếm làng cổ còn lại được bảo tồn, duy trì ở Việt Nam. Phước Tích trước đây một thời là làng gốm nổi tiếng, phát triển hưng thịnh. Gốm Phước Tích có đặc tính gì, vì sao gốm Phước Tích không còn được lưu truyền và phát triển... Đó là câu chuyện mà tớ sẽ kể sau chuyến đi về làng vào ngày cuối thu năm 2022...

Làng cổ, gốm Phước Tích

Tớ về làng Phước Tích trong một buổi sáng cuối thu đầu đông, trời se se lạnh của tiết trời xứ Huế mùa mưa nhưng không mưa mà có chút nắng nhẹ. Làng vắng lặng, phủ một màu xanh yên bình, ngay đầu làng là chiếc lò cóc nung gốm như biểu tượng của làng Phước Tích một thời hưng thịnh với nghề gốm ngày xưa…

Lên đường với em Grab :))

Đi đến vùng đất nào dù trong ngay ngoài nước, tớ cũng xem nơi đó có lò gốm không, trong điều kiện cho phép thì thế nào tớ cũng tìm cách để về làng gốm đó. Lần này cũng vậy, tớ chỉ có vẻn vẹn 2 ngày ở Huế, không có nhiều thời gian nên tớ luôn dậy từ sáng sớm và lang thang đến tối muộn, đi đến những nơi không nhiều người lui tới. Tớ từng có nghe về làng Phước Tích trong cuốn sách về gốm Việt Nam nhưng thú thực là tớ không nhớ rõ vì hiện giờ làng gốm không còn làm gốm như xưa cũng giống như một số làng gốm Việt Nam đã bị mai một và thất truyền theo thời gian. Thế nhưng khi tới thăm không gian lưu niệm Lê Bá Đảng (Le Ba Dang Memory Space; https://lebadangmemoryspace.com/language/vi/khong-gian-luu-niem-le-ba-dang/), trong khu trưng bày dưới lòng đất có hình ảnh của ông tại làng Phước Tích làm tớ gợi nhớ lại về những gì đã từng đọc. Thế nên tớ đã quyết định sẽ tới Phước Tích vào sáng hôm sau trước khi về Hà Nội. Nhân tiện tớ xin nói thêm một chút về không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng này, đây là bảo tàng nghệ thuật đương đại tư nhân của gia đình cố họa sỹ Lê Bá Đảng được khởi công năm 2016 và chính thức đưa vào hoạt động tháng 4 năm 2019. Cá nhân tớ thấy đây là một không gian nghệ thuật thật đẹp, được bố trí, trưng bày xen lẫn giữa tác phẩm với thiên nhiên, tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa, dễ chịu với người xem. Một nơi rất nên đến nếu bạn quan tâm và yêu thích nghệ thuật.

Trở lại với làng Phước Tích, nghe nói làng được thành lập từ năm 1470, đến nay cũng được hơn 500 năm bên dòng sông Ô Lâu, cách trung tâm TP Huế khoảng 40km, tiếp giáp với Quảng Trị. Làng gốm nào cũng vậy, đều gần bến sông để tiện vận chuyển nguyên vật liệu và giao thương với các nơi. Làng có 12 bến sông, có ý kiến cho rằng nó tượng trưng cho 12 con giáp, trong khi cũng có ý kiến bảo đó là tượng trưng cho 12 dòng họ đầu tiên đến khai canh vùng đất này.

Cổng làng

Bước vào làng cảm nhận ngay một không khí trong lành và yên bình, buổi sáng vắng lặng, không có sự ồn ào tấp nập người ra người vào. Tớ nghe nói làng Phước Tích gần đây là điểm ghé thăm của nhiều khách du lịch nhưng hôm tớ đến thì không thấy có ai, rất vắng ngay cả người dân trong làng. Chắc số tớ may mắn vì tớ rất sợ nơi đông người, tụ tập ồn ào của các điểm du lịch. Tớ cứ thong dong vào làng, mãi mới gặp được bà cụ hỏi thăm vào lò gốm. Đi sâu vào trong tớ bắt gặp bức tường cũ ghi Làng nghề gốm Phước Tích, đối diện là lò cóc còn lại từ thời xưa. Vậy là tớ biết mình đã đến nơi :D.

Lò của làng (thời xưa, giờ chỉ là nơi thăm quan)

Lùi sâu vào trong tớ thấy một khu nhà xưởng đề biển “GỐM PHƯỚC TÍCH” kiểu vừa là nơi sản xuất vừa là nơi bán hàng, không có ai trong xưởng, cửa phía ngoài không khóa nên tớ đi vào thì hơi bất ngờ khi thấy hàng phơ hay sản phẩm trên giá nó na ná giống với gốm Bát Tràng, hay một số loại gốm vẽ trang trí “hơi lòe loẹt” mà chúng ta gặp khá nhiều trên thị trường. Chẳng lẽ gốm Phước Tích lại thế này??

Bên cạnh các lọ, bình trang trí màu sắc, còn có một số ấm trà làm mô phỏng kiểu ấm Tử sa kiểu này :D

Khu vực phôi gốm chưa nung

Tớ lại đi tiếp sâu vào trong làng cố gắng hỏi xem còn nhà nào làm gốm, một anh chỉ cho tớ đi vòng đường nọ, đường kia sẽ có 1 nhà làm gốm. Tớ không hiểu lắm nhưng thôi vẫn cảm ơn và đi tiếp, kiểu gì cũng sẽ gặp nhà làm gốm khác. Đang lần mần dò xem đi lối nào thì tớ bắt gặp một ông lão tầm 70 tuổi đang đi ngang qua, tớ hỏi ông có biết nhà nào còn gốm không thì ông bảo “nhà ông đây, giờ trong làng chỉ còn mỗi nhà ông là làm gốm theo kiểu truyền thống”, vậy đúng là nơi tớ muốn tìm, thấy mình thật may mắn.

Ông cụ rất hiền hậu, ông dẫn tớ về nhà, hóa ra nhà ông chính là nơi lưu giữ bộ sưu tập Gốm cổ Phước Tích. Nhà ông cũng là một ngôi nhà cổ được bảo tồn, ông trưng bày bộ sưu tập của mình trong đó. Ông bắt đầu kể, ông đã mất rất nhiều công sức để sưu tầm cho đủ 63 chủng loại mà làng Phước Tích đã từng sản xuất. Làng không có ruộng để trồng trọt canh tác nên chỉ sống dựa vào nghề gốm, gốm Phước Tích từng có thời kỳ rất hưng thịnh, cung cấp cho toàn bộ vùng lân cận cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước, nghe nói còn sang cả Nhật :D.

Ông vừa kể vừa ngâm câu giọng đầy tự hào,

“Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế

Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân”

Đấy trước đây làng Phước Tích chuyên cung cấp om ngự cho Hoàng Cung (om chính là cái niêu đất nhỏ, om ngự là vật dụng cho Vua dùng). Ông chỉ từng thứ và giải thích, nó cảm nhận được tình yêu của ông dành cho gốm Phước Tích xưa và chút nuối tiếc khi nói về nghề gốm ngày này không còn được duy trì và phát triển như xưa nữa. Gốm Phước Tích ngày xưa theo kiểu truyền thống là dùng bàn xoay tạo hình, đa phần không dùng men, trang trí bề mặt gốm rất đơn giản, gốm nung lò củi ở nhiệt độ cao, chất gốm như chất sành. Cũng có thời kỳ gốm Phước Tích dùng men nhưng không nhiều. Còn giờ đây, đáp ứng nhu cầu thị trường cần nhanh, giá thành rẻ, gốm Phước Tích cũng làm theo lối “hiện đại” kiểu Bát Tràng đó là đổ khuôn, dùng men, vẽ đủ kiểu và nung lò ga. Sản phẩm nhìn không còn mang dấu ấn của gốm Phước Tích ngày xưa. Đây chính là xưởng mà tớ bắt gặp ở phía đầu làng ban nãy.

Một số hình ảnh trong bộ sưu tập gốm cổ Phước Tích của ông tớ xin phép chụp và đăng bài này

Chất sành rất đanh

Trong khuôn viên nhà ông, ông vẫn giữ một góc làm gốm theo lối truyền thống, có bàn xoay, có lò nung củi nhưng lò rất nhỏ, ông bảo giờ ông chỉ làm chơi chơi thôi, không còn sức nữa rồi. Tớ năn nỉ bảo ông bán cho một món gốm Phước Tích xưa nhưng ông không bán, ông bảo giờ ông chỉ sưu tầm tích góp lại để lưu truyền cho con cháu đời sau biết về gốm Phước Tích xưa, ông cũng vận động bà con trong làng không bán gốm ngày xưa, giữ lại gốm xưa là giữ lại hồn cốt của làng. Nghe ông nói vậy, tớ cũng không nài thêm, đành chuyển sang hỏi ông gốm mới ông đang làm thì rất tiếc là ông đã bán hết, chỉ còn mấy thứ lỗi, hỏng không còn dùng được (giờ ông chủ yếu làm mấy món đồ nhỏ nhỏ kiểu nồi đất hoặc để cho khách tới trải nghiệm làm gốm).  Ông nhìn lên giá chỗ trưng bày gốm, ông đưa tớ một con tu huýt và bảo ông tặng cháu làm kỷ niệm ngày về làng chơi.

Khu vực trải nghiệm cho các bạn ngồi nặn gốm

Lò gốm nhà ông

Ông cũng có kể thêm, mọi người bảo ông sao không làm 12 con giáp cho dễ bán nhưng ông bảo, ông vẫn muốn làm con tu huýt nó là sản phẩm từ ngày xưa của làng, nhìn tu huýt là lại thấy gốm Phước Tích truyền thống, ông đưa lên miệng thổi cho tớ xem. Tu huýt chính là cái còi hình con chim nhỏ, món đồ chơi nhỏ ngày xưa. Có chút tiếc nuối không mua được món gốm xưa nào của ông nhưng cũng thấy vui vì đã được trò chuyện với ông về gốm. Tớ luôn thích được như vậy, lang thang về những làng gốm, trò chuyện với những người làm gốm nơi đây để hiểu về nghề gốm, về dòng chảy của nghề theo thời gian cũng như được nghe “tiếng lòng” của người làm nghề. Khi hiểu ta sẽ thấy trân trọng và yêu sản phẩm gốm hơn nhiều khi chỉ mua nó từ một cửa hàng gốm hay một trang bán gốm online. Mỗi lần đi thế này tớ không khỏi có cảm giác “tiếc nuối” với những làng nghề truyền thống nay bị thất truyền vì nhiều lý do, vẫn luôn canh cánh trong lòng làm sao để làng nghề truyền thống duy trì và phát huy cái đẹp vốn có của nó. Cuộc sống hiện đại có quá nhiều thứ tác động làm những giá trị truyền thống đang bị đẩy lùi xa vào quá khứ, những người yêu cái xưa cũ không phải không còn nhưng lại là “thiểu số” so với đa số thích sự hào nhoáng, bóng bẩy và tiện lợi…

Ông cùng các bạn hàng xóm chơi một dạng bài gì đó trong lúc chờ người tới đón

Ông chuẩn bị phải đi, tớ chào ông và cảm ơn ông đã dành thời gian cho một đứa từ xa lang thang tới làng, tới lò gốm nhà ông. Mong ông luôn mạnh khỏe và tiếp tục duy trì, lan tỏa tình yêu với gốm truyền thống làng Phước Tích. Ông là Lê Đình Diễn, ông bảo Diễn trong diễn văn ấy cháu :D

Chậu cây trong nhà ông

Rời nhà ông, tớ loanh quanh trong làng ngắm mấy ngôi nhà cổ chìm trong màu xanh của cây lá, nhà nào cũng có một bức bình phong phía trước, nghe nói là để ngăn gió độc và bồn chứa nước cạnh đó dùng để cứu hỏa khi xảy ra hỏa hoạn vì lò gốm ngay gần, nguy cơ cháy nổ cao 😊. Tớ đã dành trọn một buổi sáng ở đây, thấy nhẹ nhàng, thoải mái.

Quay lại Huế, trên đường về tớ ghé quán trà bên đường, không gian trong quán bày trí nhẹ nhàng, tớ thích những bức tượng và tranh cụ Đạt Ma ở đây.

Tớ không quên ghé lại Bảo tàng gốm cổ Sông Hương (hôm trước tới thì đóng cửa do chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng), nơi đây cũng lưu giữ rất nhiều gốm cổ làng Phước Tích và tớ nhận ra tớ cũng có 1 bình gốm Phước Tích ở Tibisea mà trước đây tớ chỉ biết là gốm xưa mà không biết nó là dòng gốm gì. Xin nói thêm về Bảo tàng gốm cổ Sông Hương, đây là Bảo tàng tư nhân trưng bày bộ sưu tầm gốm cổ của gia đình cô Kim Lan (mới mở cửa đầu năm 2022), đây là một không gian rất đẹp, tớ nghĩ đó là một nơi các bạn yêu gốm sẽ rất thích cũng giống như tớ…

Một góc rất nhỏ trong Bảo tàng

Nếu có dịp tới Huế bạn hãy tới làng cổ Phước Tích nhé, làng Việt Nam lại là làng cổ luôn có những nét đẹp và có nhiều điều thú vị...

Chia sẻ bài lên