GỐM CON CUA (Niroku yaki, Suigetsu yaki, Rakuyama yaki)

GỐM CON CUA (Niroku yaki, Suigetsu yaki, Rakuyama yaki)

“Gốm con cua” là tên tớ tạm gọi chung cho đồ gốm Nhật có đắp nổi hình con cua trên thân gốm, các cửa hàng gốm Nhật ở Việt Nam hay gọi chung là dòng gốm Suigetsu yaki, dòng gốm sưu tầm đang có giá rất cao, cao kiểu ngất ngưởng trên thị trường gốm Nhật không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Nhật.

Gốm con cua

Tớ lấy cái tiêu đề “Gốm con cua” cho bài viết về đồ gốm Nhật có đắp nổi hình con cua trên thân gốm, các cửa hàng gốm Nhật ở Việt Nam hay gọi chung là dòng gốm Suigetsu yaki, dòng gốm sưu tầm đang có giá rất cao, cao kiểu ngất ngưởng trên thị trường gốm Nhật không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Nhật.

Đã có lần tớ đã tìm hiểu sơ qua về dòng gốm này nhưng không có nhiều thông tin, rồi bẵng đi không sờ đến nó. Sau một thời gian thấy bà con săn lùng gốm này, chỗ nào có bán thì rõ đắt, làm tớ buộc lòng phải tìm hiểu thêm, vì sao nó lại khan hiếm và đắt vậy, nó là dòng gốm kiểu gì, tại sao lại là có “motif” con cua đặc trưng vậy?? Nói chung là lại vô số câu hỏi đặt ra để mà phải mày mò…

Ngược lại câu chuyện “con cua” đập vào mắt tớ khi nào? Đó là một dịp ghé cửa hàng gốm Nhật ở Việt Nam, nhà này chuyên bán đồ tuyển chọn, không phải gốm đại trà, tớ bắt gặp bộ ấm trà có họa tiết con cua bò ra từ khe nứt trên chén, trên thân ấm, một vài bình hoa cũng họa tiết tương tự, thấy lạ mắt cũng thích vì thực sự bạn cua trông rất sinh động thế nhưng nhìn giá tiền cũng hơi kinh nên thôi tớ bỏ qua và không hỏi thêm gì nữa. Khi đó cái tên Suigetsu yaki (水月焼き)cũng chưa nhập vào đầu.  Rồi sau đó khi mở Tibisea, lại phải lọ mọ vào một số trang gốm của Nhật, một số trang đấu giá thì thấy xuất hiện mấy bạn này, giá khởi điểm cũng không đắt lắm, nhưng cứ gần đến giờ “chốt” phiên là nó “lên đến giời”, tớ cũng vào xem, ngắm nghía canh chừng đến khi nào nó hợp lý thì mua mà mãi chưa tới lúc đó :D

Sau rất nhiều ngày tháng, một ngày nọ bắt gặp một chiếc bình nhỏ xíu, khắc như một bức tranh, phần ghi xuất xứ là “Suigetsu yaki”, “Niroku yaki” và “Rakuyama yaki”, tớ đã quyết định mua mặc dù giá vẫn rất cao. Nhưng lúc này tớ bị tung hỏa mù giữa 3 dòng gốm này, vì là gốm xưa nên không còn tờ giấy thông tin của sản phẩm đi kèm, người bán cũng không chắc là thuộc dòng gốm nào, 3 dòng gốm này có điểm tương đồng nên họ cho là vậy. Tớ tiếp tục cái “sự nghiệp” mò mẫm tìm thông tin, đúng là hoa cả mắt, chóng cả mặt.

Để cho dễ hiểu, tớ tóm lược một vài điểm chính tớ lượm lặt được hy vọng hữu ích cho những bạn cùng yêu gốm.

1. Niroku yaki (二六焼): lò gốm thuộc tỉnh Aichi, thành phố Shikoku Chuo, bắt đầu hình thành từ năm 1887 được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Lò gốm này có đặc trưng không sử dụng bàn xoay mà dùng dao tre (take bera) để chạm khắc với kỹ thuật vô cùng đặc biệt và tinh xảo kiểu độc nhất vô nhị trên cả nước. Hoa văn đặc thù của dòng gốm này chủ yếu là động thực vật như lá vạn niên thanh, cua, ếch… được chạm khắc chi tiết một cách sống động cùng với loại men đặc biệt riêng có của lò gốm. Niroku yaki là gò gốm nhỏ nhưng nổi tiếng và được yêu thích khắp cả nước. Hiện giờ là đời thứ 4 của dòng họ tiếp quản lò gốm này (Sasaki Niroku).

(Nguồn ảnh: Trang Yahoo auction, bát trà Niroku yaki đời thứ nhất; 二六焼き 初代佐々木二六)

2. Suigetsu yaki (水月焼): là lò gốm cũng thuộc tỉnh Aichi, nhưng ở thành phố Matsuyama do ông Yoshikawa Tsunekata (好川恒方) sáng lập vào năm 1903 tại nhà riêng. Chịu ảnh hưởng của người cha là họa sỹ cộng thêm ông có khướu quan sát, motif trên gốm của Suigetsu yaki là các vị thần, động thực vật và cảnh vật sơn thủy… đặc biệt là họa tiết “cua” (天神蟹) rất sống động, được mọi người yêu thích. Năm 1978 ông qua đời ở tuổi 95, vợ ông tiếp quản lò gốm nhưng sau đó đến năm 2012 thì vợ ông mất, lò gốm thất truyền. Đó cũng là lý do dòng gốm này trở nên khan hiếm và được săn lùng trên thị trường.

(Nguồn ảnh: Trang Yahoo auction)

Bình Suigetsu yaki tớ "nghiến răng" mua về Tibisea :D

3. Rakuyama yaki (楽山焼): lò gốm cùng thành phố với lò Suigetsuyaki (TP Matsuyama, tỉnh Aichi). Có một lò gốm trùng tên thuộc tỉnh Shimane nhưng không liên quan đến lò gốm này. Lò Rakuyama có lịch sử lâu đời, được cho là có từ năm 1678. Họa tiết “cua” được đưa vào tác phẩm bắt nguồn từ cảm hứng sâu sắc trong tứ thơ có liên quan đến “con cua” trong băng giá (tớ xin trích nguyên văn tiếng Nhật 「あな寒し かくれ家いそげ 霜の蟹」). Đến thời Minh Trị thì lò gốm được tư nhân hóa và duy trì đến đời thứ 3 (năm 1990) thì sau đó không còn người kế nghiệp nên cũng bị đóng lò. Motif cua là motif điển hình của dòng gốm này, về mặt lịch sử thì cũng là lò gốm đầu tiên đưa vào. Người ta cho rằng có thể lò gốm Niroku và Suigetsu cũng chịu ảnh hưởng motif cua của lò gốm Rakuyama.

(Nguồn ảnh: Trang Yahoo auction)

_____________________________________

Thông tin trong bài viết là thông tin tớ rất mất công tìm hiểu và tổng hợp nên rất mong các bạn nếu lấy thông tin từ trang Tibisea thì xin trích rõ nguồn. Xin cảm ơn các bạn.

Link tham khảo thông tin:

 https://kuraya-kaitori.com/%E6%84%9B%E5%AA%9B%E7%9C%8C%E6%9D%BE%E5%B1%B1%E5%B8%82%E3%80%80%E9%AA%A8%E8%91%A3%E5%93%81%E3%81%AE%E8%B2%B7%E5%8F%96%EF%BD%9C%E4%BA%8C%E5%85%AD%E7%84%BC-%E8%9F%B9%EF%BD%9C%E4%BC%9D%E7%B5%B1%E5%B7%A5/

https://masuken.jp/artists/yoshikawatsunekata

 

GỐM CON CUA (Niroku yaki, Suigetsu yaki, Rakuyama yaki)
Chia sẻ bài lên