DỆT HƯƠNG CHO TRÀ

DỆT HƯƠNG CHO TRÀ

Suy cho cùng, mỗi người mỗi sở thích mỗi thú vui riêng, đôi khi nó thật giản đơn, một buổi chiều dệt hương cho trà, tự mình thưởng thức chén trà quyện hương gừng bay trong làn khói trắng, thấy mọi thứ hóa thinh không!

Lại chuyện về trà. Mấy hôm nay loanh xoay quanh chuyện cái ấm Tetsubin ra sao, thưởng trà cùng bạn, thử vài loại trà mới… Buổi sáng thứ 7 lạnh buốt giá, nâng quyết tâm lên hạ quyết tâm xuống mãi mới chui ra khỏi chăn đến Thưởng trà nghe buổi giới thiệu về cuốn sách “Dưới mái hiên nhà”, cuốn sách nhỏ nói về những câu chuyện giản dị của đôi vợ chồng đang “làm” và “chơi” với trà, nhân tiện mua ít trà hay uống…

Cá nhân tớ là “người ô kìa” thường ít thay đổi thói quen. Với uống trà cũng vậy, tớ thích thử các loại trà và cũng đã thử kha khá các loại trà từ truyền thống đến hiện đại, của ta cũng như của tây nhưng rồi quanh đi quẩn lại vẫn thích thể loại “green tea” dòng trà xanh, trước tớ hay chè tươi cùng bà hoặc uống trà Thái Nguyên nhưng từ khi uống trà cổ thụ thì lại thích loại này hơn. Còn vào quán cà phê không uống cà phê mà phải chọn trà thì lại luôn là “Earl Grey” (trà Bá Tước), nếu không thì là Lipton nhãn vàng thuần chủng :D, thi thoảng cũng uống Bạch trà, Ô long hay Phổ nhĩ vài loại trà nghe tên là lạ nhưng chỉ là uống để biết là trên đời có những thứ như thế. Với trà xanh thì tớ cũng chỉ hay uống trà “mộc” tức là trà không ướp hương, uống để cảm nhận vị và hương của chính loại trà mà mình uống, có khi còn nhấm cánh trà khô, giòn giòn thơm thơm chan chát.

Trong cuốn “Dưới mái hiên nhà” có bài hướng dẫn cách dệt hương cho trà, nôm na là ướp trà với các loại hoa có hương mà mình vẫn hay thấy như ướp hương sen, hương nhài hay hương bưởi…, rất thích cách các bạn ấy dùng từ “dệt hương” nghe thi vị hơn nhiều với “ướp hương”. Tớ tò mò với dệt hương “gừng”, đang đúng những ngày Hà Nội lạnh tê tái, lạnh buốt giá không muốn thò mặt ra ngoài, một cốc trà nóng bốc hơi nghi ngút, một cốc nước gừng nóng thơm thơm, cay cay cũng làm người ấm lên. Nhớ những ngày trekking trên núi ở Nepal, không ngày nào là không uống “ginger tea” mà thực chất là cốc nước sôi thật nhiều gừng có thêm chút đường. Tớ không thích món trà gừng uống liền, cũng chưa thử pha trà rồi đập gừng vào vì chỉ tưởng tượng thôi thì đã không thích vị đó nên không thử. Uống trà ăn cùng mứt gừng thì thường xuyên.  Vậy mà tớ tò mò và muốn thử dệt hương gừng cho trà và nghĩ là sẽ ổn. Mình sẽ là người thử nên trước tiên phải tưởng tượng ra hương vị đó xem nó thế nào liệu có muốn thử không thì mới làm. Sáng đó lò dò ra chợ mua gừng, kiếm được mớ gừng ta, già củ về sơ chế sạch sẽ, thái lát mỏng chuẩn bị “hành nghề” :D

Đôi khi giữa lý thuyết được hướng dẫn và thực tế sẽ có sự khác nhau, chỉ đơn giản như là dụng cụ để làm nên tùy cơ ứng biến miễn sao đảm bảo được nguyên lý, tớ nghĩ vậy, nên món trà dệt hương gừng của tớ nó cũng “được” hay “bị” biến tấu theo kiểu của tớ. Vì là thử nghiệm nên chỉ dám làm ít, lỡ có dở thì cũng đỡ tiếc nguyên liệu :D

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ kỳ cạch, hồi hộp chờ đợi thì tớ cũng ra được mẻ trà dệt hương gừng ưng ý với khẩu vị của tớ. Với tớ, khi kiểm thử giữa chừng trong quá trình làm là có thể cảm nhận được mẻ đó có thành công hay không. Mùi gừng quyện trong mùi trà thoang thoảng khắp gian nhà tí tẹo thật thích. Trước giờ tớ có một cái thú tắm gội sạch sẽ, xịt nước hoa, lên giường đọc sách, nay có thêm một cái thú nữa là tắm gội sạch sẽ vào pha ấm trà, nhâm nhi đọc sách hoặc xem kênh truyền hình yêu thích. Thành quả của cả buổi chiều được 2 hũ trà Shan tuyết nhỏ dệt hương gừng và 1 hũ gừng dệt hương trà :D

Trà thành phẩm sau khi dệt hương và hũ gừng

Trà dệt hương gừng vẫn giữ được vị, hương và nước của trà mộc, chỉ thoang thoảng mùi thơm ấm của gừng. Nhấp ngụm trà nóng cảm nhận trọn vẹn vị trà hương trà với hương gừng, thật dễ chịu, thấy nhẹ tênh. Đó có lẽ là cái cảm giác thư thái hoàn toàn không phải lúc nào cũng có được. Tự nhủ, món trà này thật đặc biệt, cẩn thận gói gém bảo quản để bạn ấy không bị mất hương vị, chỉ những khi nào thật thoải mái hoặc muốn được thoải mái ta sẽ lôi ra tự thưởng :D.

Còn món gừng dệt hương trà cũng rất hữu dụng. Ngày mùa đông này, thả vài lát gừng cho vào bình giữ nhiệt thêm chút nước sôi để gừng tiết tinh chất, pha nước cốt gừng này với nước nóng, uống vừa thơm vừa ấm, hoặc buổi sáng uống nước pha chanh mật ong thêm vài ba lát gừng cũng thơm hơn hẳn.

Suy cho cùng, mỗi người mỗi sở thích mỗi thú vui riêng, đôi khi nó thật giản đơn, một buổi chiều dệt hương cho trà, tự mình thưởng thức chén trà quyện hương gừng bay trong làn khói trắng, thấy mọi thứ hóa thinh không!

___________

Cách dệt hương gừng phiên bản biến tấu của O.B

Nguyên liệu:

  • Gừng ta, củ già
  • Trà xanh (tớ dùng trà Shan tuyết, Tà Xùa)
  • Khối lượng gừng gấp đôi lượng trà (thực chất là cứ ước lượng, nếu muốn đậm vị gừng thì cho nhiều gừng, nếu thích nhạt thì cho ít lại)

Dụng cụ:

  • 1 hũ có nắp vừa với lượng gừng và trà đã chuẩn bị
  • Nồi chiên không dầu

Cách dệt hương:

  • B1: Sơ chế sạch gừng, thái lát mỏng, độ dày các lát nên bằng nhau (tầm 1mm)
  • B2: Cho trà và gừng vào hũ có nắp, một lớp gừng, 1 lớp trà. Lưu ý lớp lót dưới và lớp trên cùng là lớp gừng
  • B3: Cho vào nồi chiên không dầu để sấy.

Nồi nhà tớ tối đa 30 phút nên tớ sấy 3 lần 90 phút ở nhiệt độ 100oC

Nên kiểm tra giữa những lần sấy.

Có thể tùy lượng trà, gừng nhiều hay ít thì thời gian cần lâu hay ít hơn.

(Hôm thử nghiệm thì với hũ nhỏ, tầm 30g trà, 60g gừng thì sấy trong vòng 90 phút)

  • B4: Sau khi sấy xong trút trà ra đĩa, loại bỏ gừng ra đĩa khác.
  • B5: Sấy trà đã dệt hương. Sau bước 4, trà sẽ hơi ẩm do ngấm tinh chất gừng.

Trà, gừng sau lần sấy thứ 3

Theo hướng dẫn của Thưởng trà thì đem ép trà thành bánh, phơi khô và bảo quản lâu ngày, nhưng tớ không làm vậy, tớ để trà cho nguội và cho tiếp vào nồi sấy thêm khoảng 10 phút cho trà khô. Bảo quản trong lọ đựng trà để uống dần trong thời gian ngắn (vì làm có ít :D)

 Các bạn có thể xem cách dệt hương của Thưởng trà trong cuốn “Dưới mái hiên nhà” và biến tấu theo cách của mình miễn sao ra được thứ trà mà bạn thích là tuyệt nhất!

Chúc các bạn dệt được hương trà yêu thích và thưởng thức lúc thảnh thơi...

DỆT HƯƠNG CHO TRÀ
Chia sẻ bài lên