GỐM HOA NÂU

GỐM HOA NÂU

Gốm Hoa nâu là một trong những dòng gốm Việt Nam được thế giới biết tới mang nét đặc trưng của gốm Việt, đồng thời gốm Hoa nâu thời Lý, Trần cũng là một thời kỳ hưng thịnh của gốm Việt xưa...

Tớ không còn nhớ chính xác tớ bắt gặp gốm hoa nâu đầu tiên khi nào, chỉ biết là rất ấn tượng và rất thích gốm hoa nâu trong các loại gốm cổ của Việt Nam. Nhớ cái thời sinh viên năm cuối đi làm gia sư ở một nhà "đại gia" tớ được ở hẳn trong căn phòng trưng bày đồ cổ của nhà đó, ở đó có một số đồ gốm hoa nâu. Tớ thích cách tạo hình của thạp, của chum của hũ, thích cách trang trí trên gốm, những nét vẽ cúc, vẽ sen, vẽ lá cây, vẽ hoa thị, vẽ chim vẽ hạc, nét vẽ mộc mạc giản đơn nhưng rất tinh tế có hồn, luôn thu hút tớ. Rồi khi đi vào Bảo tàng cũng luôn bị gốm hoa nâu, gốm hoa lam mê hoặc, ngắm nhìn hàng giờ. Mò mẫm tìm hiểu một chút về gốm hoa nâu để biết gốm hoa nâu được hình thành và phát triển thế nào vì sao nó lại có sức thu hút đến vậy...

Gốm hoa nâu để chỉ các loại gốm tráng men trắng ngà và trang trí chủ yếu bằng hoa văn màu nâu, hoặc gốm nền nâu trang trí hoa văn màu trắng. Nguyên liệu tạo ra màu nâu này là oxit sắt. Tiêu biểu cho gốm hoa nâu vẫn là loại gốm nền trắng ngà, với hoa văn màu nâu, bởi lẽ loại này chiếm số lượng lớn hơn cả. Trong số gốm hoa nâu đến nay phổ biến là các dạng thạp, liễn, chậu, bát, ấm… Nhiều nhất là thạp, liễn với kích thước tương đối lớn, có trường hợp đường kính trên 0,70m; hoặc cao gần 1m.

Ấm gốm hoa nâu thời Lý, Bảo tàng Bruseels

Thạp gốm hoa nâu thời Lý, Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia

Về chất liệu xương gốm, cũng có một số ít xương bằng đất sét thường, trong các trường hợp này, gốm hoa nâu ở mức độ đất nung phủ men. Nhưng đại đa số thì gốm hoa nâu là đồ đàn, tức sành xốp, thậm chí cả sành trắng, tức sành cứng, tuy chủ yếu vẫn là sành xốp. Nguyên liệu chính để làm nên sành xốp là cao lanh hoặc đất sét trắng, được lọc luyện ở mức vừa phải. Độ nung từ 1200°C – 1280°C, xương đất chưa chảy, nên còn xốp, có trường hợp xương vẫn hơi thấm nước. Với chất liệu như vậy, thành của sản phẩm còn khá dày.

(Về phân loại gốm sứ các bạn có thể đọc thêm bài viết Tản mạn về Gốm sứ: https://tibisea.com/articles/5789422)

Tuy nhiên, so với những loại gốm ra đời trước nó, nghĩa là với gốm sơ sử (văn hóa Phùng Nguyên, cách đây khoảng 4.000 năm) và gốm Bắc thuộc, thì gốm hoa nâu là một bước tiến dài về kỹ thuật, bao gồm cả kỹ thuật sử dụng chất liệu, các kỹ thuật tạo hình, làm men, trang trí, cũng như kỹ thuật nung. Nếu như trước kia, nguyên liệu chính được sử dụng là đất sét thường, thì với phần lớn đồ gốm hoa nâu, nguyên liệu là đất sét trắng hoặc cao lanh.

Về quá trình chế tác, với gốm hoa nâu, đồ gốm được tráng men. Phần lớn các loại men và màu của gốm hoa nâu được làm ra từ đá, đất, hoặc từ đất và tro trấu có lẫn vôi.

Về trang trí, cùng với gốm hoa nâu, lần đầu tiên màu sắc được sử dụng để tô điểm cho sản phẩm thông qua những bút pháp được khẳng định thành phong cách.

Lò nung đến lúc này hẳn cũng đã tiến bộ nhiều, tạo ra được nhiệt độ cao hơn, và các thao tác trong khâu nung đã đạt đến một mức thuần thục nhất định, khiến sản phẩm có độ chín đồng đều trên cả xương đất, men, và màu, đồng thời giảm bớt các biến dạng, chảy sụn, phồng rộp, ám khói.

Tuy nhiên gốm hoa nâu vẫn còn bị hạn chế ở một số điểm nhưng chính các hạn chế này đã góp phần tạo ra sắc thái riêng cho gốm hoa nâu Việt Nam: màu sắc của men nền cứ ngà ngà, vì đất làm xương chưa được lọc luyện kỹ, và kỹ thuật nung chưa đảm bảo được độ hoàn nguyên; xương còn xốp và ngấm nước, do hạt đất chưa thật mịn, và độ nung còn thấp…

Cho đến nay, các nhà khảo cổ học và những người nghiên cứu nghệ thuật gốm hầu như đã thống nhất với nhau về niên đại xuất hiện của gốm hoa nâu. Người ta cho rằng gốm hoa nâu đã ra đời và phát triển trong suốt thời Lý – Trần (thế kỷ XI-XIV). Đến khi gốm hoa lam xuất hiện, thì gốm hoa nâu mới mất địa vị độc tôn của nó, và mai một dần. Tuy nhiên, qua bốn thế kỷ tồn tại và phát triển, gốm hoa nâu cũng đã đủ thời gian tự khẳng định như là một mốc son rực rỡ trên bước đường phát triển của nghệ thuật gốm Việt Nam

Quá trình phát triển của gốm hoa nâu Việt Nam

Để phân biệt các giai đoạn nối tiếp nhau trong lịch sử phát triển của gốm hoa nâu, một số nhà nghiên cứu đã xuất phát từ các dạng khác nhau của hoa văn trang trí, rồi đem đối chiếu nội dung, bút pháp, nghệ thuật cách điệu với hoa văn trên các sản phẩm khác cũng thuộc thời Lý – Trần, ví như các mảng chạm trên đá, mà niên đại tương đối đã được biết rõ. Theo dõi các bước chuyển biến của gốm hoa nâu, chúng ta thấy rằng quá trình phát triển ấy chính là quá trình đa dạng hóa của loại gốm đàn thời Lý – Trần. Riêng về mặt thủ pháp trang trí, có một thủ pháp mới xuất hiện không hề loại trừ thủ pháp của giai đoạn trước, và cứ thế, nghệ thuật trang trí trên gốm hoa nâu càng về sau càng phong phú thêm.

Giai đoạn thứ nhất mở đầu bằng sự xuất hiện của những sản phẩm được trang trí bằng hoa văn màu nâu trên nền trắng. Với những sản phẩm đầu tiên này, gốm Việt Nam chính thức bước vào một giai đoạn mới – giai đoạn gốm được trang trí bằng hoa văn màu – dù cho màu sắc có bị hạn chế (nâu và trắng ngà).

Theo các nhà nghiên cứu phần lớn những đồ gốm hoa nâu, mà hoa văn là hình cây mới nảy mầm – nhú lá, đều thuộc bước đi đầu tiên của giai đoạn thứ nhất này. Cách sử dụng họa tiết và cách tô nâu thật đơn giản, đôi khi còn vụng về. Có thể nói rằng, trong buổi đầu, chất liệu tạo màu nâu còn hiếm, quý, cho nên người trang trí gốm chỉ dám tô màu lên những diện tích nhỏ của các họa tiết đơn giản đã được thể hiện sẵn bằng nét chìm. Mà lối thể hiện hoa văn bằng nét chìm lại là gia tài được kế thừa từ nghệ thuật trang trí gốm đất nung của các thời trước, và trong trường hợp những hiện vật khiêm tốn như liễn, âu.

Phải đến bước đi thứ hai cũng của giai đoạn thứ nhất này, thì lối vẽ chìm tô nâu mới phát triển mạnh trên loại thạp lớn, các thạp được trang trí bằng hình hoa cúc, hoa sen, chim, cò, voi, hổ, người đấu võ… Đến đây, màu sắc sử dụng càng linh hoạt hơn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà những họa tiết hình lá giản dị của bước đi ban đầu đã bị bỏ quên.

Những sản phẩm gốm trên nền trắng hoa nâu kể trên trông giản dị, mộc mạc, mang rõ phong cách dân gian, nói lên tâm hồn bình dị, trong sáng của người lao động. Đó là những sản phẩm phục vụ cho đời sống của quần chúng, với hình dáng mập mạp, với những mảng trang trí to, với nền thoáng, với bố cục trang trí và đề tài gần gũi cuộc sống của người nông dân Việt Nam.

Giai đoạn thứ nhất của gốm hoa nâu, với hoa nâu trên nền trắng nhằm phục vụ đời sống của nhân dân lao động, đã chuẩn bị tiền đề kỹ thuật và nghệ thuật cho một giai đoạn phát triển cao hơn, với những sản phẩm được trang trí một cách công phu hơn, có phong cách uyển chuyển hơn, và nhất là lấy lại một số hoa văn phổ biến trong nghệ thuật chạm đá rất tiêu biểu của thời Lý – Trần, như hoa cúc, hoa sen… giai đoạn này khẳng định sự trưởng thành, cả về mặt kỹ thuật sử dụng chất liệu, lẫn về mặt thủ pháp trang trí. Đây còn là giai đoạn xuất hiện những đồ gốm hoa nâu có kích thước lớn. Mà kích thước của hiện vật càng lớn, thì kỹ thuật thành hình và nghệ thuật trang trí càng được nâng cao.

Những chiếc thạp được trang trí bằng hoa cúc dây, cành nối cành. Phức tạp thế, mà hoa lá cứ uyển chuyển, xoắn xuýt bên nhau, nhưng vẫn mạch lạc và gợi cảm. Đặc biệt là nét vẽ: nét được chạm hình, có chỗ nông, chỗ sâu, chỗ to, chỗ nhỏ; còn bờ thành của hai bên nét chìm cũng không đồng nhất, bên gãy góc, bên thoai thoải. Chính vì thế mà đường nét tạo nên họa tiết biến hóa đến tài tình, bắt nhịp được với thân sản phẩm, trong khi bố cục vẫn chặt chẽ. Dù sao, những sản phẩm của giai đoạn thứ hai này vẫn bắt nguồn từ truyền thống dân gian, nên họa tiết vẫn tỏa ra chất khỏe khoắn, mạch lạc, và niềm rung động đầy sức sống của người nghệ sỹ.

Nối tiếp hai giai đoạn của đồ gốm nền trắng hoa nâu là đồ gốm nền nâu hoa trắng, với lối trang trí khá công phu và đẹp mắt. Về chất liệu và phong cách trang trí, thực ra chẳng có gì khác trước. Nhưng sự thay đổi vị trí của hai màu nâu và trắng, mà chúng ta có thể xem là một thay đổi về thủ pháp trang trí, đã đem lại những vẻ đẹp mới khá bất ngờ, làm giàu thêm cho nghệ thuật gốm hoa nâu thời Lý – Trần.

Điều cần lưu ý tránh nhầm lẫn đó là phần lớn gốm nền nâu hoa trắng không phải là sản phẩm được tráng men nâu, mà là sản phẩm tráng men trắng, rồi được cạo bỏ men nền để tô nâu, hoặc tô nâu chồng lên men trắng phần nền của họa tiết, khiến người trang trí có điều kiện để chen các mảng trắng và nâu một cách chủ động, khiến họa tiết càng mạch lạc, bình dị, hấp dẫn.

Có thể dẫn ra đây những chiếc bát hoa cúc dây, những chiếc thạp với hoa cúc, rất tiêu biểu cho vẻ đẹp của gốm nền nâu hoa trắng. Tuy nhiên, những sản phẩm này đòi hỏi gia công nhiều, tốn thời gian, do đó mà giá thành ắt phải cao, quy trình sản xuất hàng loạt ắt chậm lại: loại gốm này chỉ thích hợp với các tầng lớp trên trong xã hội.

Bát gốm hoa nâu thời Lý, Bảo tàng lịch sử Quốc gia

Gọi là hai giai đoạn, chứ thực ra hai loại gốm nền nâu hoa trắng và nền trắng hoa nâu kể trên đã có lúc song song tồn tại khá lâu.

Tuy nhiên, sự phát triển của kỹ thuật và sản xuất không bao giờ tự thỏa mãn và dừng lại ở một chỗ. Khi nguyên liệu màu nâu đã trở nên dư thừa, vì có thể được sản xuất không chỉ từ đá son, đá thối, gỉ sắt, mà còn từ loại phù sa mang hàm lượng sắt cao và rất dễ khai thác, thì gốm hoa nâu lại phát triển thêm để bước vào một giai đoạn mới, bước từ màu sang men màu, không phải chỉ để tô, mà còn để tráng lên toàn bộ sản phẩm (có khi cả mặt trong lẫn mặt ngoài). Đó là những chiếc ấm chạm nổi hoa cúc, những chiếc thạp, chiếc chóe, và các sản phẩm men nâu, mang hình họa trang trí màu trắng, mà tiêu biểu là những chiếc bát to mang hình hoa thị, lâu nay vẫn được gọi là “bát trang trí hình chân chim”. Thực ra khi quan sát kỹ ta thấy họa tiết trang trí không phải là “chân chim”, mà là những hoa thị bốn cánh, khá phổ biến trên các sản phẩm mỹ thuật thời Lý – Trần. Trong lòng bát là ba dải đồ án cùng mẫu. Có điều là, khác với họa tiết hoa thị trên gỗ, đá, họa tiết ở đây được vẽ trực tiếp bằng bút lông, về bố cục có thể nói là chỉ được sắp đặt một cách ước lượng cho nên đồ án hoa thị trắng có phần xiêu vẹo, tùy tiện không ngay ngắn cân đối.

Giai đoạn thứ 3 đang nói ở đây còn là giai đoạn mở đầu cho các loại gốm men nâu, men da lươn, như hũ, ấm, bát đĩa, lọ, thạp của các thời sau Lý – Trần. Lối vẽ hoa trắng trên nền nâu tuy không đạt trình độ nghệ thuật cao như gốm hoa lam, nhưng có ý nghĩa lớn: nó đánh dấu buổi đầu một thời kỳ phát triển mới của nghệ thuật trang trí đồ gốm, bỏ qua kỹ thuật tô màu, khai mở kỹ thuật vẽ cũng được thể hiện trên gốm hoa lam Việt Nam.

_________

Tóm tắt, tổng hợp

https://gomsuu.com/vai-net-khai-quat-ve-gom-hoa-nau/

http://ape.gov.vn/do-gom-hoa-nau-thoi-ly-tran-ds524.th

Gốm hoa nâu Việt Nam (Phạm Quốc Dân - Nguyễn Đình Chiến)

__________

Một số đồ gốm hoa nâu giả cổ nhà Tibisea (Gốm Bát Tràng, gốm Chi)

Thạp gốm Chi, chế tác thủ công

Thạp gốm vẽ chim, lá

Hũ gốm hoa nâu vẽ dây lá

Bình gốm hoa nâu vẽ hoa cúc, hũ vẽ hoa thị

 

GỐM HOA NÂU
Chia sẻ bài lên