Gốm nung lò củi và gốm nung lò ga

Gốm nung lò củi và gốm nung lò ga

Gốm nung lò củi và gốm nung lò ga có gì khác nhau? Hay nung hoàn nguyên và nung Oxy hóa là như thế nào?

Đôi khi trên trang Tibisea hoặc một số ít trang gốm khác các bạn sẽ thấy nói đến “ấm trà gốm nung lò củi men hỏa biến”, “chén gốm nung lò củi” hay “chén sứ bạch định nung củi”, …

Vậy hẳn phải có gốm sứ nung lò khác ngoài lò củi.

Thực ra hiện nay gốm chủ yếu được nung bằng lò ga hoặc lò điện vì tính kinh tế, chỉ còn rất ít lò gốm còn duy trì nung lò củi và nhất là nung lò củi với những sản phẩm cao cấp vì tỉ lệ thành phẩm rất thấp và chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Thế gốm nung lò củi khác gì với gốm nung lò ga? Tớ tin là chưa có nhiều người để ý hay quan tâm đến điều này khi mua gốm.

Có sự khác biệt giữa đồ gốm sứ nung củi (hay còn gọi là nung hoàn nguyên) và gốm sứ nung ga hoặc điện (hay còn gọi là nung Oxy hóa) nếu như bạn chú ý đến.

Nung hoàn nguyên và nung Oxy hóa là hai hệ thống hoàn toàn khác biệt trong kỹ thuật nung gốm sứ. Không gian trong lò nung ngoài đồ gốm còn được lấp đầy không khí, trong này cũng có một lượng lớn Oxy, Oxy là thành phần không thể thiếu khi nung, lửa mạnh hay yếu là tùy thuộc vào lượng Oxy trong lò. Hiểu một cách nôm na nếu trong quá trình nung mà không khí trong lò ở dạng no Oxy thì quá trình nung này được gọi là Nung Oxy hóa, còn ngược lại thông qua kỹ thuật kiểm soát, để không khí trong lò thiếu Oxy, do đó quá trình nung lò lửa sẽ lấy cả Oxy từ trong sương thai và men của đồ gốm, dẫn tới sự biến đổi hóa học trên gốm, gọi là nung hoàn nguyên.

Men Oxy hóa còn được gọi là các “bài men”, trong đó là tỉ lệ trộn các khoáng chất có hiệu ứng màu tác động ảnh hưởng lên sắc men. Bởi không khí trong lò ở dạng no Oxy nên các chất đốt, lửa không có phản ứng hóa học với lớp men hay lớp đất trên bề mặt gốm, thông qua quá trình gia nhiệt men nung chảy và kết tinh hình thành hiệu ứng như mong muốn. Chính vì vậy mà bề mặt gốm sứ nung lò ga thường có độ sáng bóng và đồng đều. Hiện nay ở các nhà máy sản xuất với quy mô lớn hay tại các làng nghề sản xuất “hàng loạt” các sản phẩm tương tự và na ná nhau thường là nung lò ga với tỉ lệ thành phẩm cao, chất men tương đối đồng đều nếu có “bài men” được chuẩn hóa.

Bình hoa men nâu (gốm Bát Tràng)

Lọ hoa men khô lò gốm nghệ sỹ NTD

Nung hoàn nguyên thì hoàn toàn khác, do không khí trong lò “đói” Oxy nên khi nung lò ép Oxy từ trong men và sương thai của các sản phẩm ra giúp trợ lửa, vì vậy lớp men trên bề mặt gốm hoặc chính trên bề mặt gốm không phủ men sẽ xảy ra quá trình biến đổi hóa học, hoàn nguyên ra những kết cấu phân tử mới, nguyên khoáng qua quá trình nung luyện ở nhiệt độ cao mới có thể hình thành cảm giác bề mặt gốm có độ sâu, ấm và biến hóa ngẫu nhiên còn với sứ thì có độ trong, sâu, dịu như ngọc. Đây là điểm rất khác biệt so với gốm sứ nung lò ga. Không khó để thấy sự khác biệt này nếu đặt hai loại cạnh nhau để so sánh nhưng không phải dễ dàng nhận ra nếu bạn chưa tiếp xúc nhiều với các loại gốm sứ khác nhau. Nó cũng giống như bạn trải nghiệm kho cá bằng nồi đất bếp củi với kho cá bằng nồi inox bếp ga hay tấm khăn dệt bằng tay và tấm khăn dệt bằng máy công nghiệp, …

Thế nhưng nung hoàn nguyên lại luôn tiềm ẩn sự bất ổn định và khó kiểm soát, người làm gốm luôn phải chú ý đến sự hòa hợp giữa lửa, nhiệt độ lò và không khí trong lò, nếu không khi dỡ lò chỉ còn toàn là phế phẩm. Người làm gốm bằng tri thức, bằng kinh nghiệm làm nghề, bằng cảm nhận của người yêu gốm mà biết đặt sản phẩm vào vị trí nào trong lò, vào thời điểm nào cần cho gia nhiệt, với tốc độ nào, lượng bao nhiêu. Đó là cả một kỹ thuật hay đúng hơn là cả một nghệ thuật không phải ai cũng làm được. Để ra một tác phẩm ưng ý nung lò củi đòi hỏi rất nhiều yếu tố, và đòi hỏi sự "trả giá" của nhiều lần thất bại. Mỗi lần nung ra một sản phẩm khác nhau cho dù cùng phôi gốm, cùng bài men thậm chí cùng một ví trí đặt trong lò. Nhưng chính cái tính bất ổn định, không thể kiểm soát đó làm nên sự kỳ thú, mê hoặc của gốm nung lò củi, mọi người cùng hồi hộp chờ đợi từng mẻ gốm ra lò mà không biết nó sẽ “biến hóa” đến đâu. Có thể là sự thất vọng, buồn, tiếc nhưng có những lúc lại là niềm hạnh phúc tột cùng không gì so sánh được.

Vì những điều kể trên mà gốm sứ nung lò củi luôn hấp dẫn tớ mặc dù nó tiêu tốn của tớ khá nhiều. Tớ thích gốm mộc nung lò củi truyền thống của Nhật đặc biệt là Bizen yaki vì gốm Bizen hoàn toàn không dùng men hay bất kỳ kiểu trang trí nào, vẻ đẹp của gốm hoàn toàn được kết tinh ngẫu hứng giữa lửa và đất giàu khoáng trong lò củi truyền thống với sự kiểm soát nhiệt tài tình trong quá trình nung của người thợ gốm. Tớ cũng thích gốm sứ nung củi của các lò gốm thủ công khác, sản phẩm không nhiều, mỗi món đồ mang một nét đặc trưng riêng có.  Tớ thích chiếc ấm lò củi, men hỏa biến như những đốm lửa nhỏ trên bề mặt ấm, chén trà nhỏ xinh men tro đạt độ kết tinh như thủy tinh hay hũ đựng trà men tro hỏa biến như một bức tranh và rất nhiều sản phẩm gốm nung lò củi khác làm ta phải “siêu lòng”

Chén sứ nung củi

Tượng Phật sứ nung củi men trong và sâu như ngọc

Bình gốm Bizen hỏa biến trên bề mặt gốm

Ấm đun, ấm trà mộc nung củi, nét đẹp của sự giản đơn

Ấm trà với những đốm lửa nhỏ

Bề mặt gốm vẽ hạc như một bức tranh

Luôn yêu và trân trọng những sản phẩm thủ công, những thứ thật mất công để làm ra nhưng nó xứng đáng với giá trị mà nó được tạo ra.

Tại không gian nhà Tibisea các bạn sẽ được ngắm nhiều đồ gốm với vẻ đẹp chỉ có ở gốm nung củi mà tớ - O.B đã tha từ nhiều nơi về.

Gốm nung lò củi và gốm nung lò ga
Chia sẻ bài lên