Sự hình thành gốm Kyoto
Gốm Kyoto không phải được làm ra do nhu cầu thiết yếu của người dân Kyoto.
Vào cuối thời Chiến quốc (khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17) gốm Kyoto bắt đầu nhen nhóm khi mà nghề gốm đang rất phát triển trong nhiều vùng trên cả nước
Sau đó mặc dù trung tâm chính trị được chuyển về Edo nhưng Kyoto vẫn là một đô thị lớn và theo đó các loại hàng hóa phục vụ cuộc sống người dân thành thị từ khắp cả nước đổ về Kyoto. Tuy vậy cũng không vì thế mà Kyoto nảy sinh nhu cầu phải xây lò gốm, hơn nữa với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở đây thì cũng không có nguồn đất để làm gốm.
Vậy thì do đâu mà Kyoto lại bắt đầu sản xuất gốm nhỉ?
Có thể nói xuất phát điểm từ tầng lớp người giàu, nắm giữ kinh tế vùng. Edo là trung tâm chính trị của cả nước thì Kyoto và Osaka là trung tâm về kinh tế. Tầng lớp thượng lưu ở Kyoto và Osaka là những người làm kinh tế giỏi, họ tận dụng các nguồn lợi, buôn bán giao thương với nước ngoài và ngày càng trở nên giàu có. Họ nhập khẩu và sở hữu rất nhiều đồ gốm sứ từ các nước Đông Á trong đó có Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Từ đó họ nuôi dưỡng ước mơ muốn Kyoto trở thành nơi sản xuất đồ gốm sứ cao cấp của vùng Đông Á.
Thời kỳ đầu, họ đã hiện thực hóa được ước mơ trực tiếp sản xuất đồ gốm ở Kyoto bằng chính nguồn lực tài chính của mình. Từ sau thời kỳ Momoyama (tức là sau năm 1600) thời thế thay đổi. Trà đạo lên ngôi, nhu cầu cho dụng cụ trà đạo ngày càng gia tăng dẫn đến xuất hiện nhu cầu sản xuất đồ gốm dùng cho trà đạo. Khoảng năm 1600 thuật ngữ Kyoyaki (gốm Kyoto) đã bắt đầu được sử dụng và lò gốm (loại lò Noborigama) được xây ở Sanjo Awataguchi (粟田口).
Đặc trưng của gốm Kyoto (Kyo yaki, Kiyomizu yaki)
Người ta gọi chung đồ gốm sứ được sản xuất bằng tay, vẽ tay dựa trên kỹ thuật và tiếp nối ý tưởng truyền thống của Kyoyaki là gốm Kyoto gồm Kyo yaki và Kiyomizu yaki.
Kyoto là nơi chịu ảnh hưởng của văn hóa cung đình nên từ những năm cách đây khoảng 400 năm trước đã cần một lượng lớn các loại vật dụng đồ dùng xa xỉ dùng cho giới quý tộc hay trà nhân. Đáp ứng nhu cầu đó mà Kyoyaki đã tiếp nhận các ý tưởng sáng tạo, các kỹ thuật chế tác không chỉ từ khắp các nơi trên cả nước mà còn cả các nước thuộc khu vực Đông Á. Do đó có thể nói, đặc điểm của Kyo yaki và Kiyomizu yaki là không chỉ được chế tác từ một nguồn nguyên liệu hay một kỹ thuật nhất định nào đó. Nó là sự tổng hòa của các nguồn nguyên liệu, các ý tưởng sáng tạo, các kỹ thuật được kết tinh từ nhiều vùng miền tại Kyoto mang đậm tính văn hóa Kyoto. Tiếp nối những ý tưởng sáng tạo cùng các kỹ thuật cao từ xưa, đến nay những người thợ gốm vẫn từng ngày làm ra từng sản phẩm chuốt tay, vẽ tay cẩn thận tỉ mỉ.
Bát men tro vẽ sakura
Hũ gốm đựng nước (Mizusashi) vẽ cầu Yanagi (Yanagi bashi)
Kyo yaki và Kiyomizu yaki là gì ?
Như đã nói ở trên cả Kyo yaki và Kiyomizu yaki đều nói về gốm được làm theo ý tưởng sáng tạo và kỹ thuật của Kyoto nói chung. Vậy sao lại có 2 tên gọi này?
Cách lý giải thứ nhất theo tên gọi địa lý. Kyo yaki để chỉ gốm được là ra ở Kyoto. Bồn địa (lòng chảo) Kyoto được bao quanh 3 mặt phía Đông, phía Tây, phía Bắc là núi, những lò gốm thuộc khu vực chân núi có những lò gốm Omuro yaki (御室焼), Awataguchi yaki (粟田口焼) hay Obosatsuike yaki (御菩薩池焼) gọi chung là Kyoyaki. Còn Kiyomizu yaki là chỉ đồ gốm được sản xuất ở những lò gốm dưới chân ngôi chùa Kiyomizu (清水寺)
Cách lý giải thứ 2 dựa trên phương pháp, kỹ thuật chế tác đồ gốm thì cả Kyo yaki và Kiyomizu yaki đều để chỉ đồ gốm Kyoto được làm theo kỹ thuật truyền thống của Kyoto và do vậy một đồ gốm được chế tác theo kỹ thuật này dù không có chế tác tại Kyoto mà chế tác tại vùng Saga thì vẫn có thể được gọi là dòng gốm Kyo yaki hay Kiyomizu yaki, ngược lại thì một đồ gốm dù được làm tại Kyoto nhưng với kỹ thuật làm gốm của vùng miền khác thì cũng không phải là Kyo yaki hay Kiyomizu yaki. Ngoài ra, Kiyomizu yaki thường được biết đến là đồ gốm gia dụng, đồ bát đĩa (Katsubo shokki割烹食器) trong khi đồ trà đạo thì người ta không gọi là Kiyomizu yaki mà theo truyền thống từ xưa vẫn gọi là Kyo yaki.
____________
Lược dịch và tổng hợp
https://www.yamanaka-gato.com/
https://www.seigado.jp
https://www.asahido.co.jp/knowledge/about_kyoyaki_kiyomizuyaki/
https://ja.wikipedia.org/wiki/%E4%BA%AC%E7%84%BC
______________
Tớ có nhiều dịp ghé Kyoto, không lần nào là không lần mò đến những con đường, những khu phố, những cửa hàng gốm ở đây, đó là cả sự mê hoặc cho những đứa yêu gốm như tớ. Tớ có thể lang thang ngắm nghía cả hay ghé vào một nơi, ngồi trò chuyện với người bán gốm và thích hơn nữa người đó lại là người làm ra gốm...
Một vài món Kyo yaki, Kiyomizu yaki ở Tibisea nhà tớ
Bình gốm tím rất "art"
Bình gốm xanh nhẹ nhàng
Bình gốm vẽ hoa ánh ngọc trai thật đẹp
Bình hoa men đen khắc hạc
Ấm trà nhẹ tênh, tớ rất thích bạn ấy
Bộ trà Kyoyaki vẽ hoa đúng đặc trưng của gốm này
Trong một cửa hàng bán gốm ở Kyoto