Somayaki(相馬焼)

Somayaki(相馬焼)

Dòng gốm Obori Somayaki (trước đây gọi là Somayaki) ở thành phố Namie, tỉnh Fukushima ngày nay đang càng trở nên hiếm và được nhiều người săn lùng, sưu tầm. Vậy dòng gốm này có gì đặc biệt nhỉ?

Dòng gốm Obori Somayaki (trước đây gọi là Somayaki) ở thành phố Namie, tỉnh Fukushima với đặc trưng rất dễ nhận biết là họa tiết ngựa phi nước đại về phía bên trái được vẽ hoặc đắp nổi trên lớp men rạn màu xanh.

Sau thảm họa động đất sóng thần vào tháng 3 năm 2011 tại Fukushima, rất nhiều lò gốm ở đây đã bị phá hủy (22 lò gốm nay chỉ còn lại 14 lò), các lò gốm còn lại cũng phải di rời đi nơi khác vì lý do an toàn. Giờ đây đất ở vùng này không còn dùng được để làm gốm nữa (do bị nhiễm xạ), những người thợ gốm lâu năm dần quay trở lại làng sau 10 năm di cư để phục dựng lại nghề gốm truyền thống của làng và truyền nghề cho thế hệ sau để dòng gốm Somayaki không bị mai một, thất truyền.

Nhân vừa xem được một video giới thiệu về bạn trẻ sinh ra ở tỉnh Hyogo nhưng có tình yêu với gốm Obori Somayaki đã đến lò gốm ở làng để học nghề, lưu giữ nghề truyền thống đang dần bị mai một, tớ tìm hiểu thêm về gốm Obori Somayaki hay gọi tắt là Somayaki (tên gọi ngày xưa).

https://www.youtube.com/watch?v=jlH53WBKyT4

Lịch sử hình thành

Somayaki có lịch sử hơn 300 năm, bắt đầu từ thời Edo (TK 17) ở Fukushima, miền Đông Bắc Nhật Bản. Trong thời kỳ Edo, Somayaki được các lãnh chúa Soma yêu thích và bảo vệ, làng gốm phát triển lên đến hơn 100 lò, khiến nó trở thành một trong những làng gốm lớn và quan trọng bậc nhất ở miền Bắc Nhật Bản. Tuy nhiên, đến thời kỳ Minh Trị, ảnh hưởng của các lãnh chúa bị giảm sút dẫn tới số lượng lò giảm dần và tiếp tục được duy trì cho đến ngày nay. Somayaki tự hào về lịch sử của nó đã tạo ra những tác phẩm đặc sắc, độc đáo được các nhà sưu tập săn lùng ở khắp mọi nơi. Đặc biệt sau thảm họa động đất sóng thần, những sản phẩm Somayaki truyền thống càng trở nên quý hiếm.

Đặc trưng của Somayaki

  • Hoa văn ngựa phi “Hashiri goma” 「走り駒」. Ngựa phi về phía trái (không có về phía phải) từ xưa được cho là đem lại điều tốt lành.

       

  • Vết rạn xanh「青ひび」trên bề mặt gốm: được hình thành do sự co ngót không đều giữa xương gốm và men.

       

  • 2 lớp 「二重焼」 : giữ nhiệt của nước trong cốc, dễ cầm (do Fukushima thuộc miền Đông Bắc, Nhật Bản là vùng rất lạnh)

       

Các loại Somayaki

          Đặc trưng của Somayaki là hoa văn ngựa phi, 2 lớp gốm với lớp men rạn màu xanh nhưng trên thực tế gốm Somayaki khá phong phú đa dạng về chủng loại để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng ta hay thường gặp các sản phẩm gốm là cốc 2 lớp vẽ ngựa màu nâu hoặc vẽ vàng. Nhưng chúng ta cũng gặp những cốc gốm 1 lớp, bát chawan, ấm trà, bình hoa, bình đựng rượu, chén uống rượu, …

Cốc gốm với họa tiết ngựa được vẽ cách điệu, lớp men cũng có nhiều nét phá cách

         

Bình hoa Somayaki

               

Ấm trà, chén trà, chawan

 

Các bước sản xuất

http://soma-yaki.com/feature/

  1. 成形 Tạo hình
  2. 削り仕上げ Cạo sửa, tỉa xương gốm
  3. 生地加色 Trang trí xương gốm
  4. 乾燥 Phơi gốm
  5. 素焼 Nung sơ (nhiệt độ tầm 900~950oC)
  6. 下絵付 Vẽ trang trí dưới men
  7. 釉かけ(くすりかけ)Tráng men
  8. 本焼き Nung gốm (nhiệt độ từ 1250~1,300oC)
  9. 上絵付け Vẽ trên men sau nung
  10. 墨入れ chải mực lên bề mặt gốm sau đó lau đi để nhìn rõ vết rạn trên bề mặt gốm

________________________________

  • Tổng hợp và lược dịch

          http://soma-yaki.com/en/history/

          http://www.somayaki.or.jp/feature/index.html

  • Hình ảnh trong bài viết sử dụng hình ảnh trên internet

_________________________________

Bộ trà Somayaki ở Tibisea

Somayaki(相馬焼)
Chia sẻ bài lên