Lang thang làng gốm Việt.

Gốm Hương Canh

Đến làng gốm để được thấy gốm được làm ra thế nào, người thợ gốm phải vất vả nhọc nhằn ra sao để càng trân quý GỐM - sự kết tinh hòa hợp của đất, nước, lửa và tấm lòng của người thợ gốm.

Bát Tràng, Phù Lãng

Thực sự không còn nhớ là thích gốm và yêu gốm từ khi nào. Chỉ nhớ khi là sinh viên có điều kiện để đi lang thang và ở trên Hà Nội cũng có nhiều hàng gốm bán rong thì nó bắt đầu có thói quen lọ mọ xem gốm, đó là vào những năm 99, 2000, vậy cũng được tầm hai chục năm lận.

Rồi hồi sinh viên năm 2 hay năm 3, có một chị làm thương mại xuất khẩu gốm Bát Tràng sang Nhật (chủ yếu là chậu trồng cây, có thêm một vài sản phẩm gốm khác làm theo thiết kế của Nhật) chị nghỉ sinh, cần người hỗ trợ liên lạc trong vài tháng nên nó có cơ hội được sang Bát Tràng thường xuyên, tiếp xúc với các lò gốm, biết được gốm làm ra thế nào, thế nào là sản phẩm đẹp, thế nào là sản phẩm lỗi, lỗi nhỏ hay lỗi to. Nó đã học được nhiều thứ về gốm trong vài tháng đó, hồi đó cũng đã ước ao sau này được làm gốm, có một cái lò gốm của riêng mình. Đúng, khi còn trẻ người ta hay thích và hay mơ ước nhiều thứ. Nó vẫn nhớ Bát Tràng thời đó chưa nhiều nhà cao tầng, chưa nhiều các cửa hàng cửa hiệu như ngày nay và hẳn là chưa “giàu” như bây giờ. Các nhà vẫn chủ yếu là đốt lò than, đi vào làng vẫn còn có cảm giác của làng làm nghề gốm, những bức tường lem vết than những con đường làng còn vương bùn đất, những bể ngâm đất hay những dãy đồ gốm mộc được phơi mình dưới nắng chờ ngày vào lò, mọi người cảm nhận được cái không khí rộn ràng của làng nghề mà lại không quá ồn ào, xô bồ và “công nghiệp hóa”. Có thể ngày nay làm gốm ở Bát Tràng “nhàn” hơn xưa, sạch sẽ hơn và hẳn là nhanh và năng suất hơn nhưng nó không thích vậy. Không phải là nó không muốn làng phát triển hơn, muốn người làm gốm có cuộc sống tốt hơn mà chỉ là nó vẫn nhớ và vẫn thích cái không khí của làng Bát Tràng xưa. Nhớ vào nhà chị Mai xem các anh chị tạo hình sản phẩm trên bàn xoay, ngắm nhìn các cô các chị ngồi vẽ lên từng sản phẩm, có cái đơn giản phe phẩy vài nét, có cái như những tác phẩm nghệ thuật, bức tranh sơn thủy trên từng chiếc lục bình hoặc chậu cây to. Được ngắm nhìn từng công đoạn từ khi là những cục đất, được nhào nặn thành hình, được vẽ, được tráng men, rồi đem nung để hình thành nên một sản phẩm sẽ thấy yêu quý và trân trọng sản phẩm đó hơn nhiều, và cũng vì thế sẽ hiểu để ra một sản phẩm hoàn hảo là vô cùng khó, rất hiếm. Sản phẩm gốm thủ công làm tay sẽ khác rất rất nhiều với những sản phẩm sản xuất hàng loạt, kiểu đổ khuôn, in (dán) họa tiết, nung trong lò ga. Đó là những sản phẩm mà nó thấy “vô hồn”, khác với gốm thủ công, cho dù có thể có lỗi này lỗi khác từ khâu tạo hình hay vẽ, tráng men hoặc nung trong lò củi, mỗi sản phẩm có một dáng vẻ, “thần sắc” khác nhau, mà điều đó thì phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Thế nên đi đến đâu, lò gốm nào nó cũng chỉ thích ngắm nhìn và mua đồ gốm thủ công, nhất là gốm mộc, xù xì rất khó để diễn tả, có lẽ chỉ những người yêu gốm, yêu vẻ đẹp mộc của gốm mới hiểu. Nhiều năm sau quay lại Bát Tràng nó thấy Bát Tràng khác quá, không biết ví thế nào, có lẽ giống kiểu cô gái làng trong thời hội nhập, thật hiện đại, “hào nhoáng” nhưng sao nó cứ thấy “lạ”. Làng gốm Bát Tràng có hẳn khu chợ chuyên bán gốm nhưng hơi buồn là các sản phẩm cứ na ná nhau, chưa kể có nhà còn bán cả đồ gốm sứ Trung Quốc màu sắc lòe loẹt. Vẫn biết là để đáp ứng đủ loại thị hiếu của người mua nhưng liệu có nhất thiết phải đáp ứng nhu cầu thị trường kiểu đó?? Đi quanh chợ đến phát nản, mò mẫm mãi thì cũng mới mua được món đồ không giống với những thứ xung quanh. Và cũng từ đó nó không còn muốn quay lại Bát Tràng nữa, giờ không biết “cô ấy” thế nào, sẽ quay lại thăm “cô ấy” một ngày gần đây, biết đâu cô ấy trở về với giá trị xưa cũ mà nó vẫn yêu thích.

Nó đã quay lại Bát Tràng vào những ngày khá cận Tết con trâu (2021), dự định mãi cuối cùng cũng thực hiện. Dạo gần đây nó thi thoảng gặp sản phẩm gốm của Bát Tràng có "độ tinh" nhất định, có sự khác biệt so với dòng sản phẩm đại trà, lần quay trở lại này nó muốn được đến những nơi đó.  Cảm nhận ban đầu sau nhiều năm đó là có nhiều cửa hàng cửa hiệu lớn, đường phố dường như bụi bặm hơn. Nhanh chóng ghé một số cửa hàng nhìn từ ngoài có vẻ bắt mắt nhưng nó thực sự chưa thích những sản phẩm này, từ bát đĩa, bộ ấm chén uống trà hay bình lọ hoa. Mẫu mã kiểu dáng có vẻ như đã được cải thiện nhiều, đôi chỗ màu men quá bóng, đôi chỗ thiết kế rườm rà, có chỗ màu sắc sặc sỡ tóm lại không phải gu ưa thích của nó. Ghé tiếp vào một cửa hàng gốm có phòng trưng bày gốm nghệ thuật ngày hôm sau mới khai trương nhưng vẫn được vào xem trước. Các tác phẩm đa phần nó đã gặp trong triển lãm CHÚNG TÔI KỂ CHUYỆN GỐM ở Hanoi Studio Gallery 13 Tràng Tiền mà nó mới đi tuần trước.  Không quá ấn tượng với phòng triển lãm này, có thể là do đang trong quá trình chuẩn bị, phần vì hơi có chút thất vọng với cách trả lời của 1 tác giả khi nó hỏi về tác phẩm ở đó.  Tiếp đến lượn vào chợ gốm, vẫn xác định là các cửa hàng tương tự nhau nhưng nó vẫn muốn ghé qua xem có gì khác, biết đâu lại gặp thứ hay ho. Đi lòng vòng quanh chợ gặp một cửa hàng làm đồ gốm giả cổ, đúng gốm hoa nâu mà nó vẫn thích. Ngắm nghía mân mê mất hàng tiếng đồng hồ ở cửa hàng này lựa được vài món yêu thích. Nó và cô bạn trò chuyện chọn hàng, mặc cả với anh bán gốm rôm rả, tưng bừng đến chị bán hàng bên cạnh cũng phải buồn cười, tham gia vào câu chuyện.

Thạp gốm hoa nâu

Rời chợ gốm đã quá trưa, chưa ăn uống gì nhưng hai đứa vẫn đi tiếp sâu vào phía trong làng khu vực cửa hàng trưng bày sản phẩm của một số nghệ nhân được nhà nước công nhận, không phải nghệ nhân tự xưng hay tự phong theo cách gọi của một số cửa hàng gốm. Nó ấn tượng nhất với Bảo tàng gốm cá nhân của cố họa sỹ, nghệ nhân Vũ Đức Thắng với rất nhiều tác phẩm đẹp có hồn được trưng bày trong không gian thuần Việt và cửa hàng gốm Đức Tân của nghệ nhân Trần Đức Tân với nhiều sản phẩm gốm được thiết kế đẹp, màu men đẹp, đường nét trong chi tiết sản phẩm. Đây là hai địa chỉ nó muốn mọi người đến Bát Tràng hãy ghé thăm để thấy gốm Việt cũng thật đẹp!

http://langnghevietnam.vn/?go=New&page=d&igid=714&iid=31412

https://ductanceramic.com/gioi-thieu/gom-duc-tan/

(hơi tiếc khi Bảo tàng chưa có một kênh truyền thông chính thức đầy đủ thông tin để mọi người dễ tiếp cận, nó thử tìm thông tin trên internet mà không thấy ra trang chính thức của Bảo tàng)

Sản phẩm trưng bày trong Bảo tàng gốm 

Tác phẩm ngoài sân vườn trong Bảo tàng

Hũ gốm tớ mua về trưng tại Tibisea

Bức tranh gốm rất đẹp, sản phẩm không bán (ảnh không thể hiện được hết chiều sâu của tranh)

Một tác phẩm khác nó thích nhưng gia chủ cũng không bán vì mới làm mẫu

Bạn trâu và bạn gà tớ tha về từ Gốm Đức Tân

Điểm đến cuối cùng trước khi về là nhà anh Đạo chị Trinh gốm nghệ nhân Phạm Anh Đạo, anh là một trong những nghệ nhân trẻ nhất được công nhận và cũng là một trong số ít người còn làm gốm thủ công ở Bát Tràng. Xưởng gốm nhà anh chị nhỏ nhỏ nhưng ngăn nắp, gian trưng bày sản phẩm cũng nhỏ nhỏ xinh xinh, ấm cúng.  Đến giờ đó hai đứa cũng mệt phờ, vừa ngồi nghỉ vừa ngắm gốm nhà anh chị, là gốm thuần thủ công, gốm vuốt tay nên từng sản phẩm luôn có sắc thái riêng, sản phẩm không quá nổi trội, có nét giản dị, trầm trầm như tính cách của người tạo tác ra chúng, nó có cảm nhận vậy. Hy vọng lần tới về Bát Tràng có nhiều thời gian trò chuyện với anh chị về gốm và nghề làm gốm nhiều hơn.

Bát Tràng đã thay đổi diện mạo, đó là quy luật tất yếu để làng nghề truyền thống tồn tại. Nó vẫn mong và hy vọng sẽ có thêm nhiều người làm nghề tâm huyết với nghề, làm ra những sản phẩm thật xuất sắc, người mua vui vẻ mua với giá cao xứng đáng với công sức của người sáng tạo, vất vả kỳ công làm ra chúng.

Gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) giờ không còn quá lạ lẫm với những người yêu gốm Việt như nhiều năm về trước. Nhớ hồi sinh viên năm 3, cùng mấy người bạn chạy xe máy về làng Phù Lãng, đến làng chỉ toàn thấy chum với vại và tiểu sành xếp thành từng dãy dài, từng tầng chồng lên nhau. Gốm Phù Lãng khác với gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng giống như Hương Canh hay Thổ Hà là dòng gốm sành, gốm không men. Ngày ấy làng mới chỉ có anh Nhung làm gốm nghệ thuật và lúc bấy giờ anh cũng chưa nổi tiếng. Vẫn còn nhớ về nhà anh Nhung lọ mọ mua cả mớ bình lọ của anh để về bán hội chợ Xuân năm đó, đến giờ nó vẫn còn giữ lại một cái lọ nho nhỏ từ thời ấy. Với quyết tâm thay đổi hình ảnh của gốm Phù Lãng cũng như nâng cao giá trị của gốm làng mình, anh Nhung đã đi học Mỹ thuật để về thổi hồn vào gốm sành Phù Lãng. Những tác phẩm của anh đã dần được công nhận và anh dần được mọi người biết đến. Vài năm sau đó anh có ở showroom bán hàng ở đường Nguyễn Thái Học, giá của gốm Nhung lúc đó đã đắt hơn nhiều. Và như một trào lưu, gốm Nhung cũng được nhân bản ra thành vô số các phiên bản khác nhau. Trên thị trường Hà Nội lại nhan nhản dòng sản phẩm gốm sành Phù Lãng với những họa tiết đắp nổi lá sen, lá chuối từa tựa nhau một cách vô hồn. Thật lạ, gốm Việt cứ tự mình làm mất dần giá trị của chính mình. Gần 20 năm chưa quay lại Phù Lãng, giờ này hẳn gốm Phù Lãng cũng đã chuyển mình thay đổi nhưng có lẽ sự chuyển mình đó cũng chưa đủ lớn, nó có cảm giác vậy…

Nó cũng đã quay trở lại làng Phù Lãng sau gần 20 năm vào những ngày tháng 9 (năm 2021) đầu thu nhưng còn vương cái nóng của ngày hè, làng Phù Lãng nay đã khác nhiều so với thời sinh viên nó đến. Đường xá bê tông hóa, sạch sẽ, không có nhiều dãy tiểu sành xếp từng chồng cao như ấn tượng hồi nào với nó. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống như vẫn thấy bao lâu nay kiểu tiểu sành, chum vại đựng rượu, lọ hoa đắp nổi nó cũng thấy có một vài nhà làm gốm mỹ nghệ mang phong cách riêng. Lần này nó về dành nhiều thời gian ở gốm Lâm, là đôi bạn trẻ tiếp quản nghề gốm của bà và cha, nghe bác Thanh, bố của Lâm nói chuyện thì bà là một trong những nghệ nhân có tiếng ở làng. Giờ bác Thanh không còn làm nhiều nữa mà chủ yếu là cho cậu con trai làm, bác chỉ làm những sản phẩm gốm phù điêu.  Nó luôn cảm nhận được tấm chân tình, sự thật thà chất phác của những người làm gốm dù là ở Bắc hay Nam, dù là ở Việt Nam hay những nước mà nó đặt chân tới. Đến đâu nó cũng thích và được trò chuyện cùng mọi người về gốm, về nghề về cuộc sống của chính họ, đó là những câu chuyện đời thường bình dị nhưng đâu đó ẩn chứa những hoài bão những ước mơ lớn lao. Nó luôn trân trọng những điều này.  Hôm nó tới cũng là hôm nhà Lâm mới dỡ lò, nó lựa được vài món đúng chất gốm sành Phù Lãng, vẻ thô mộc và chất gốm đanh mà bác Thanh bảo "cháu nhìn xem, chất men nung già lửa vằn trên bề mặt gốm như tia sét". Gốm kiểu này không phải ai cũng thích, đôi khi người tiêu dùng lại thích gốm phải bóng bẩy, phải trang trí hoa văn cầu kỳ, màu sắc phải thật nổi bật. Bạn vợ cũng còn rất trẻ nhưng ham học hỏi, đang mày mò nặn gốm và thử các loại men khác nhau. Thế hệ trẻ các bạn sẽ có nhiều sự tìm tòi, học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau, mong là các bạn sẽ làm ra được những dòng sản phẩm thật đặc sắc mang đậm nét đặc trưng của làng mình, của lò gốm nhà mình, điều đó thật không đơn giản. Nói với em là chị muốn đi lòng vòng quanh làng qua một số lò gốm khác. Thấy nó định đi bộ, em ấy bảo đi bộ thì xa lắm, để em lấy xe máy chở chị đi, đi bịt mặt để mọi người không phát hiện ra người làng chứ không họ lại nghĩ em qua xem và "ăn cắp" mẫu mã kiểu dáng thì không hay :D

Thấy cô bé tốt bụng và đáng yêu, hai chị em vào một số lò gốm được gọi là "có tiếng" ở làng, trong đó có gốm Ngọc và gốm gì đó mà giờ nó không còn nhớ tên nhưng thực sự nó không có ấn tượng và cảm xúc gì khi vào những nhà gốm này nên quên rất nhanh. Qua xưởng gốm chỗ anh Tuấn chuyên làm về tượng Phật, anh không có ở xưởng, những cũng loanh quanh ngắm nghía và tán chuyện với các "đệ tử" của anh, hầu hết các tượng là do những em này làm, anh Tuấn chủ yếu xử lý mẫu ban đầu tạo khuôn là những khâu quan trọng. Nó còn được thấy cách "phục chế" với những tượng bị lỗi khuyết men hay sứt mẻ, đúng là mỗi nghề mỗi bí kíp :D

Hai chị em còn đến lò gốm của họ hàng nhà em gần đó, thấy nhà ai cũng mang vẻ tất bật, bận rộn. Anh chị bảo làm nghề này vất vả lắm mà cũng chẳng được bao nhiêu. Ngẫm ra thì sẽ vất vả thật khi mà các gia đình vẫn tiếp tục giữ cách làm xưa, không thay đổi gì về mẫu mà kiểu dáng sản phẩm. Nếu như chỉ làm ra những sản phẩm thường thường mà ai cũng có thể làm được thì không có sự khác biệt, sự cạnh tranh quá nhiều, không thể bán được với giá cao. Đó là những bài toán cho làng nghề thủ công ở Việt Nam.  Trong cả một làng may chăng chỉ có được một vài nhân tố nổi trội hơn hẳn, còn quá ít để vực được một làng nghề. Lần này nó tiếc là chưa ghé lại nhà anh Nhung, nghe nói giờ anh tập trung nhiều vào gốm mỹ nghệ xuất khẩu, không còn làm hàng bán nội địa nữa có lẽ là do bị "nhái" và dập khuôn quá nhiều. Nó muốn có dịp trở lại Phù Lãng để thăm thú nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn để hiểu hơn về Làng nghề này.

Thu hoạch của nó ở gốm Lâm, Phù Lãng

Trưng bày ở nhà Tibisea

Lọ gốm nặn tay, thử màu men màu đỏ như trái lựu

Bức tượng Phật có tạo hình rất lạ nhìn thật từ bi

Hương Canh, Chu Đậu

Nó tới làng gốm Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) vào một buổi trưa lớt phớt mưa ngày đầu năm, đường vào làng không có gì quá nổi bật. Không khó để đến thị trấn Hương Canh với sự chỉ dẫn của chị Google nhưng để vào trong làng thì vẫn phải hỏi người dân quanh đó. Có lẽ là những ngày đầu năm, nhiều lò và cửa hàng chưa mở và cũng có thể do Cô Vy đang lang thang khắp chốn cùng nơi nên mọi người e ngại, đường phố vắng hoe. Không có vẻ tập nập của làng nghề, cũng không có vẻ sôi động của điểm đến thu hút khách du lịch kiểu làng Bát Tràng, hỏi đường một anh cắt tóc bên đường, anh liên hệ hộ với một lò gốm, chị chủ ra đầu đường để đón nó dẫn vào nhà. Nhà chị là một trong những lò gốm “có tiếng” trong làng, đã được lên “Ti vi”, anh chỉ đường nói vậy. Nghe đến gốm Hương Canh đã lâu giờ mới có dịp đến tận làng chọn gốm, cũng có chút háo hức, mà trước khi đến làng nó cũng đã lọ mọ tới một số cửa hàng bán gốm sành Hương Canh ở Hà Nội, nơi tập hợp của vô số các loại gốm về vô số các cửa hàng bán gốm, cả online lẫn offline. Giờ thế giới phẳng mà, có riêng gì với gốm đâu. Chỉ cần bạn tỏ ra là người quan tâm đến gốm là ngay lập tức trên trang FB của bạn sẽ tràn ngập “newsfeed”  về gốm cũng như những gợi ý mà anh Mark sẽ gửi tới bạn, hãy thích trang này trang kia đi, và nó không phải ngoại lệ. Giờ chỉ cần lướt trên FB là nó toàn thấy các trang bán gốm đủ các thể loại, không thiếu sự lựa chọn. Cũng nhờ đó mà nó phát hiện ra câu chuyện thú vị về cái gọi là “gốm độc bản”.  Nó thích một bình gốm sành Hương Canh ở một cửa hàng gốm “tuyển” các loại gốm thuộc nhiều dòng gốm khác nhau, nó đã biết giá của sản phẩm và một vài thông tin về sản phẩm đó. Rồi nó thấy bình đó trên một trang gốm khác chuyên về gốm sành, nó hỏi giá, một mức giá rất cao, nó hỏi sao giá cao vậy thì được trả lời “đây là gốm của nghệ nhân làm, gốm độc bản chị ạ”. Hơi ngớ người ra khi nghe nói gốm độc bản vì đã thấy cái bình đó ở cửa hàng kia nên phải vào lại trang của cửa hàng trước chụp lại và gửi cho em bên này để hỏi lại về “gốm độc bản”. Khi nhận được ảnh nó gửi kèm câu hỏi thì em đó mới xin lỗi là em nhầm, và nói là nghệ nhân đó có làm 2 bình cùng giải thích vân vân và mây mây, nhưng nó không còn tin nữa. Hôm tới Hương Canh, vô tình thế nào mà nó lại vào đúng cái lò gốm sản xuất ra cái bình đó, nó thấy thêm “một bản” nữa” còn tại lò và được cho biết “bình này đã bán nhiều còn lại có 1 bình thôi, vài hôm nữa bà nhà chị sẽ làm tiếp”. Ngẫm thấy sự đời sao mà “duyên” thế! Nó không biết bạn bán hàng kia vô tình hay cố ý nói với khách hàng kiểu như vậy, nhưng dù thế nào thì nó cũng “khó chấp nhận”. Giữa gốm thủ công và gốm công nghiệp có sự khác nhau, giữa gốm “nhiều bản” và gốm “độc bản” đương nhiên cũng rất khác nhau. Người mua như nó chấp nhận các mức giá khác nhau vì giá trị của từng sản phẩm, và nó luôn cần sự trung thực từ người sản xuất tới người bán hàng. Trở lại lò gốm ở Hương Canh, nhà chị là làm hàng thủ công nhưng là lò ga, một số sản phẩm đặc biệt thì vẫn do mẹ chị là “nghệ nhân” làm, bà nhiều tuổi nhưng trông vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Nhà có 2 chị em kế nghiệp, em trai chị cũng làm gốm nhưng thiên về gốm mỹ thuật, nung lò củi. Nó xin phép lát được sang lò của em trai chị nữa. Sau mới biết nhà em trai chị là anh Quang cũng có tiếng là người phát triển, nâng tầm gốm Hương Canh như anh Nhung từng nâng tầm gốm Phù Lãng. Chị dẫn nó vào chọn gốm, đương nhiên vào tận lò thì có nhiều sự lựa chọn và phải mất công hơn để lựa được cái mình thích, không như trên các trang hoặc tại cửa hàng đã được lựa rồi, chụp ảnh lung linh cho bạn chọn thì giá phải khác. Như tuyển hoa hậu, đầu tiên là vào ngóc ngách lấy ra phía ngoài một vài bạn khá ưng để lựa vòng sau chứ không thì có mà phải chở bằng xe bán tải. Bà nghệ nhân (mẹ chị) trong nhà thấy nó đang lụi cụi phía trong góc lấy gốm cùng chị nói với ra “còn trên gác nữa đấy, cháu lên mà xem”, thế là lại lục tục leo lên gác, dò dẫm chọn từng cái vác xuống sân. Nó thích được đi chọn gốm kiểu đó, được tự tay xem và lựa từng món, được hỏi về cách mà nó được làm ra kiểu câu chuyện bên lề. Trước khi ra về nhìn thấy hàng chậu trồng cây xếp dãy dài bên tường, ngắm nhanh lựa nhanh được 2 chậu để về trồng cây, khổ bạn Grab đi cùng phải chuyển từng cái một xuống để lấy ra cho nó cái chậu nó thích chứ không thì đổ cả dãy như domino :D . Rời nhà chị với lô gốm không hề nhẹ cùng bạn bình “gốm độc bản” kia. Cách nhà chị một đoạn là nhà em trai chị, làm gốm mỹ nghệ, nung lò củi.

Sang đến nhà anh Quang, nó nhận ra ngay là đã xem trên ti vi một chương trình về gốm Hương Canh có nói về anh. Vậy là hôm đó nó vinh hạnh vào 2 lò gốm “có tiếng, được lên TV”. Gốm nhà anh Quang là gốm được trau chuốt và tạo hình “nghệ thuật” hơn, khác với dòng gốm dân dụng thông thường bên nhà mẹ và chị anh đang làm. Anh tiếp chuyện rất cởi mở, có phần hóm hỉnh và có “duyên” của người bán hàng. Anh kể, anh cũng phải mày mò, nghiên cứu mất nhiều công thử nghiệm để làm ra những dòng sản phẩm độc đáo như gốm vân mây và gốm sần, những loại mà trước đây bố anh đã dày công nghiên cứu mà chưa thành công. Phải sử dụng đất gì, trộn với cát gì, nung ở nhiệt độ ra sao để ra được chất gốm đó, màu men đó. Anh cũng kể, anh mới tham gia triển lãm nọ kia, trước Tết đóng hàng cho bao nhiêu khách, còn chỗ này chỗ đấy là hàng của khách ở tận đâu. Anh có vẻ vui và sống tốt với nghề của mình, nó thấy vậy. Anh chủ yếu bán buôn cho các cửa hàng hoặc những đơn hàng lớn, có mấy khi anh gặp đối tượng khách lẻ về tận lò mua gốm về chơi kiểu của nó đâu. Sau Tết nên kệ hàng của anh cũng đã vợi đi nhiều, nó ngắm nghía một lượt và tham vấn thêm tác giả để lựa cho mình 2 bình, một gốm vân mây và một gốm sần, dòng gốm đặc trưng của anh như đã kể. Chuẩn bị về không biết thế nào lại phát hiện ra mấy bạn chuột “nghệ thuật” anh làm cho năm “Tý”, anh bảo mấy bạn đấy mới đi triển lãm về đấy, nhưng giờ anh để lại với giá “chuột nhà”, đến lò mua gốm có những lúc vui như thế. Chào anh ra về hẹn “khi nào anh dỡ lò có gì hay hay thì nhắn em, em lại đến”, ra đến cổng lại còn được anh tặng cho mỗi đứa cái mặt nạ gốm trang trí sân vườn, nó và bạn Grab khệ nệ bưng gốm ra xe. Một ngày vui cùng gốm Hương Canh.

Gốm Chu Đậu (Hải Dương), trước đây được biết đến vì màu men và họa tiết thuần Việt. Vào một số Bảo tàng có thể nhận ra dòng gốm “men lam” vẽ hoa cúc hay mẫu đơn đặc trưng của gốm Chu Đậu thời xưa. Có một giai đoạn gốm Chu Đậu bị “tàn lụi” một cách khó hiểu, và đến những năm 2000, làng gốm Chu Đậu mới bắt đầu được phục hồi và phát triển. Đến nay, đến làng gốm Chu Đậu không còn những hộ làm gốm nhỏ lẻ kiểu làng nghề nữa mà được công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu “gom” sản xuất tập trung về một mối. Vào làng là thấy cơ sở đồ sộ, cảnh quan chỉn chu kiểu “công ty”. Bên trong có showroom trưng bày và bán rất nhiều sản phẩm từ truyền thống đến cách điệu đủ loại. Thực sự thì dòng gốm Chu Đậu không thuộc “gu” của nó, nhưng nó vẫn muốn đến để được biết “làng gốm” thế nào, giờ đang làm gì? Khi vào cái “cơ ngơi khang trang” này thì nó thấy lạ lẫm, kể cả với những sản phẩm, nó không cảm nhận được cái “chất gốm cổ xưa”, đi vòng quanh showroom, tìm mãi mới thấy có một bình có vẻ hơi cũ so với những cái xung quanh mà nó thấy thích, hỏi ra thì được biết bình đó nghệ nhân đã làm cách đây hơn chục năm, và đó cũng là sản phẩm duy nhất ko có “triện Chu Đậu” ở đáy mỗi sản phẩm. Nó thấy mình may mắn khi phát hiện và mua được cái bình đó, cái bình nó thấy gần với Gốm Chu Đậu nhất theo cảm nhận của nó.  Rời làng gốm Chu Đậu nhưng không thấy ấn tượng nhiều về sản phẩm mà ấn tượng về khung cảnh thanh bình của làng quê khi ở trên đê, trời hơi se lạnh, gió nhè nhẹ mơn man, không gian thoáng đãng, xanh mướt một màu đem lại cho nó cảm giác thư thái đến khó tả. Nó sẽ nhớ về làng gốm Chu Đậu với khung cảnh và khoảnh khắc ấy, đến làng gốm đâu chỉ để ngắm gốm…

Gốm Hiên Vân, Gốm Chi, Gốm Thi Nguyên…

Gốm Hiên Vân (Số 8 Chân Cầm)

Biết đến gốm Hiên Vân khi đến một cửa hàng bán gốm và đồ deco trong Sài Gòn (Authentique Home[1]), thời gian mua hàng thì ít mà thời gian lân la trò chuyện với mọi người thì nhiều. Khi đang nói chuyện về làng gốm và những gia đình làm gốm thì em ấy bảo “ở Hà Nội em thấy có gốm Hiên Vân làm rất có tâm”, thế là về tìm thông tin về gốm Hiên Vân và đến cửa hàng gốm Hiên Vân ở số 8 Chân Cầm, một cửa hàng nhỏ nằm trong biệt thự Pháp cổ. Một cửa hàng nhỏ xinh ấm cúng, đó là cảm giác đầu tiên khi bước vào. Nó vẫn nhớ hôm đầu đến cửa hàng, không có ai ở đó, chị bán café ở cửa hàng bên cạnh chạy sang bán hộ, cứ phải gọi điện hỏi ý kiến vì nó cứ nhất định muốn mua một cái bình gốm đang được trưng bày mà nghe nói là hơi lỗi và cửa hàng không muốn bán. Sau một hồi trao đổi qua điện thoại thì nó cũng mua được cái bình gốm đó và hẹn hôm sau tới. Cứ thi thoảng được lên phố là lại rẽ vào Hiên Vân, có khi chỉ mua vài con gà bổ cau, mà có khi chẳng mua gì, lên chơi, ngắm gốm và nói chuyện với hai bạn bán gốm. Gốm Hiên Vân có nét riêng của gốm Việt, không bị na ná giống gốm Nhật như một số nơi đang làm. Họa tiết của gốm Hiên Vân là những hoa văn cổ của thời Lý, Trần, Lê Mạc vì người khai sinh ra gốm Hiên Vân chính là họa sĩ Bùi Hoài Mai, người sưu tầm gốm cổ, yêu và muốn bảo tồn vẻ đẹp của gốm cổ. Một số ít sản phẩm còn lại của bác Mai mà mọi người vẫn gọi là gốm Mai có triện chữ M giống như chữ M trong logo chương trình Master Chief. Hiên Vân được lấy theo tên xã mà họa sĩ Bùi Hoài Mai đã bắt đầu gây dựng vào năm 2004 tại Bắc Ninh vì bản thân họa sĩ muốn phát triển một dòng gốm cộng đồng, một xưởng gốm với sự tham gia của chính người dân bản địa thay vì một dòng gốm tác giả mang thương hiệu cá nhân[2]. Gốm Hiên Vân rất gần gũi và đậm chất dân gian, văn hóa Việt xưa, những thạp gốm với họa tiết nổi “người trốn trong mây”, họa tiết đặc trưng của gốm Hiên Vân được tô phủ lớp men tro thủ công được làm từ vỏ trấu kết hợp hài hòa ngẫu nhiên với đất tạo nên cái hồn của gốm. Nó rất thích những hũ xinh xinh hay những tượng gốm hình con thú của Hiên Vân, các bạn ấy nhỏ nhắn thật xinh để bày trang trí. Những bạn gà cau, những bạn voi có men hay không men đỏ màu đất hay ngựa gốm đều rất có hồn. Nó yêu gốm Hiên Vân bởi chất mộc mạc đó và trân trọng tâm huyết bảo tồn văn hóa dân gian của gốm Hiên Vân.

Gốm Chi[3] (43 Vạn Kiếp)

Lần đầu biết đến Gốm Chi có lẽ là từ một cửa hàng nhỏ bán gốm ở làng Bát Tràng cách đây gần 2 chục năm. Nó thích chất gốm mộc của mấy chiếc chén nhỏ được bày bán trong đó. Bẵng đi nhiều năm nó không hay nghe đến gốm Chi nữa hay đúng hơn trong khoảng thời gian đó nó chưa quan tâm nhiều đến gốm Việt. Cách đây vài năm khi mạng xã hội phát triển, tự nhiên kết nối lại nhiều thứ, nó thấy Gốm Chi tổ chức workshop cho những người thích gốm đến trải nghiệm. Đăng ký buổi trải nghiệm vào buổi chiều thứ 7, vẫn còn nhớ hôm đó nó đi từ Thái Bình về, còn chưa kịp ăn trưa đến thẳng cửa hàng nơi tổ chức workshop cho kịp giờ. Buổi workshop có 2 phần chính, một là vẽ trang trí trên mảnh gốm nhỏ và một là tập tạo sản phẩm gốm trên bàn xoay (vuốt gốm). Gốm Chi sẽ nung sản phẩm đó và mọi người có thể đến lấy sản phẩm mình tự làm sau khoảng 2 tuần. Cá nhân nó thì thấy hoạt động này khá hay, cơ hội để mọi người được trải nghiệm với gốm và cũng là 1 hình thức quảng bá gốm Chi trên thị trường một cách hiệu quả. Ít nhất thì khách đến cửa hàng 2 lần, ngắm nghía loanh quanh kiểu gì cũng mua một vài sản phẩm nếu là người thích gốm :D

Nghịch với gốm xong còn ngồi nói chuyện với vợ chồng chị Thu và anh Việt, con trai kế nghiệp của cụ Chi, anh chị đều là người học về nghệ thuật, kết hợp với “bí quyết” gia truyền của gia đình nên sản phẩm gốm Chi giờ đây không chỉ là gốm gia dụng đơn thuần mà còn mang tính “mỹ thuật”.  Anh chị đang từng ngày nỗ lực để mở rộng và phát triển thương hiệu gốm Chi không chỉ qua các sản phẩm gốm mang hơi hướng hiện đại mà còn qua các buổi workshop dành cho người Việt và du khách nước ngoài hay các khóa đào tạo gốm chuyên nghiệp. Thiết nghĩ đó cũng là điều cần thiết trong thời buổi thị trường tiêu dùng tiện dụng và tiêu dùng “nhanh” như hiện nay, mỗi thương hiệu luôn cần tìm hướng đi cho riêng mình để không bị chìm, mai một dần và để mọi người luôn nhớ và tìm đến.

Gốm Thi Nguyên (Chí Linh, Hải Dương)

Còn nhớ lần đầu gặp gốm Thi Nguyên ở một cửa hàng Floral ở Chân Cầm, lọ hoa được bán ký gửi ở đây. Nó thường hay để ý đến gốm mộc, đơn giản, men tự nhiên vậy nên nó lại gần, đưa lên ngắm nghía, thấy đáy bình là chữ ký “Thi Nguyên” nên mới biết đó là gốm Thi Nguyên. Hai lần đến lựa được 3 bình, tại thời điểm đó cũng có thử “search” về gốm Thi Nguyên (như là một thói quen) nhưng không thấy có thông tin nổi bật. Bẵng đi một thời gian, nó cũng không tìm hiểu thêm. Rồi một ngày gần đây, tự nhiên trên Facebook chia sẻ một đoạn Video về phóng sự “Hoa lửa” đúng về gốm Thi Nguyên, có lẽ đó mới là thời điểm thích hợp để nó đến với gốm Thi Nguyên. Liên hệ với chị Mai Anh (nhà thơ bút danh Thi Nguyên và giờ là nhà làm gốm) hẹn chị một dịp được về thăm xưởng gốm Thi Nguyên và được trò chuyện cùng anh chị, chị hẹn “sau đợt dịch em về nhé”.

Vậy là chờ cả một khoảng thời gian dài, hết dịch, liên lạc lại với chị, và hẹn chị cuối tuần của đầu tháng 5. Trời hôm đó nắng chang chang, cái nắng đầu hè mà đã oi ả, dễ làm người ta nóng nực mệt mỏi. Theo chỉ dẫn tìm google về Gốm Minh (lúc đầu hơi ngạc nhiên vì sao không phải là Gốm Thi Nguyên mà lại là gốm Minh, về sau mới biết Minh là con trai, nối tiếp nghiệp làm gốm. Có lẽ đó là sự suy tính lâu dài cho tương lai). Xưởng Gốm Thi Nguyên nằm sâu trong một con đường và giờ thì nó không còn nhớ chính xác là gì, chỉ biết sâu trong đó, không khí dịu mát, xung quanh vườn cây xanh lá, nổi bật phía trước nhà là tòa Bảo tháp màu trắng theo lối Phật giáo của Nepal. Được chị chia sẻ, đây là dự án thiện nguyện chị tham gia cùng các Thầy bên Nepal xây dựng Bảo tháp, nhà chị làm các phù điêu gốm để trang trí trong những Bảo tháp này.

Về đến nhà anh chị đúng tầm 12:00 trưa, chị mời ăn cơm trưa cùng gia đình mà thực ra chỉ còn mình chị chờ, anh và Minh đã ăn trước. Bữa cơm gia đình không cầu kỳ trong một không gian bình dị, tự nhiên mọi người thấy thật gần gũi. Trong lúc ăn cơm, rồi uống trà anh chị nói chuyện rất nhiều về gốm, về cơ duyên chị đến với gốm về câu chuyện đời. Anh Thi, đã nhiều tuổi nhưng rất trẻ trung, anh nói chuyện rất nhiều về nghề. Trước đây anh là người hướng dẫn làm men cho rất nhiều người ở làng Gốm Chu Đậu cũng như ở Bát Tràng. Anh là dân kỹ thuật, anh rất tự tin về khả năng tạo men từ mọi chất liệu xung quanh mà mình có. Và có lẽ đó cũng là một “thế mạnh” của gốm Thi Nguyên. Kết hợp với chị Mai Anh, nhà thơ với tâm hồn bay bổng của người nghệ sỹ, chỉ đến khi với gốm chị mới như tìm thấy mình. Anh chị say sưa nói về những thử nghiệm của mình với gốm, thời gian tới anh chị sẽ cho ra mắt “Gốm sexy” nghe thật lạ và táo bạo :D

Ấy là thứ gốm tự tin khoe ra phần “xương gốm” đẹp đẽ của mình, gốm không phủ men hoàn toàn. Gốm Việt là thứ gốm bay bổng phóng khoáng không phải thứ “chỉn chu, nắn nót” như gốm Trung Quốc hay gốm Nhật. “Gốm đẹp bởi chính sự không hoàn hảo của nó”. Anh Thi tâm đắc với ấm trà và tống trà anh mới làm theo lối Bizen của Nhật, gốm được nung ở nhiệt độ cao, men gốm được hình thành từ chính quá trình nung gốm, và anh bảo nó hãy lấy bộ đó.  Không có nhiều thời gian nên nó xin phép được đi ngắm nghía xung quanh và ngắm gốm lựa thêm một vài món, trong đó có một bình gốm thuộc những lô gốm đầu tiên của anh chị. Bình gốm do nghệ nhân làng Cậy vuốt tay, nung trong lò củi và ra màu men gọi là “đỏ tiết bò” (rouge de boeuf), anh chị bảo hãy giữ làm kỷ niệm. Thêm một đôi bình gốm nung theo lối gốm Raku của Nhật. Nó lại còn được tặng một cái bát được đánh số vì là bát thử men, anh còn đùa “cất ngay đi không anh lại đổi ý không cho nữa”. Đó là cái thú khi đến tận xưởng gốm, mặc dù sẽ tốn công sức hơn rất nhiều khi mua tại cửa hàng, showroom hay là mua online rất phổ biến như hiện nay. Đến đó nó được ngắm nhìn, được trò chuyện với những con người làm ra gốm với tất cả trí tuệ và tâm hồn, được nghe câu chuyện về gốm, và nó sẽ chọn sản phẩm vì “câu chuyện làm ra sản phẩm đó” chứ không đơn thuần là mua một món đồ gốm. Đó cũng chính là lý do nó luôn muốn tìm đến nơi sản xuất, muốn được nói chuyện với tác giả để thật hiểu về món đồ mà nó chọn. Chỉ như vậy nó mới càng thấy trân trọng những thứ được làm ra, được nó chọn về. Nó cảm ơn anh chị đã dành thời gian và chia sẻ với nó thật nhiều điều, nó sẽ còn quay lại. Anh chị còn bảo phải về lúc đốt lò, ngồi canh lò qua đêm sẽ còn thú vị hơn nhiều, hẳn là vậy. Nó sẽ về để được canh lò gốm…

[1] http://authentiquehome.com/philosophy

http://www.authentiquehome.net/xuong-gom

[2] https://hienvanceramics.com/2016/11/21/hien-van-ceramics/

[3] http://gomchi.com/gioi-thieu-chung.htm

Gốm Hương Canh
Gốm Thi Nguyên
Chia sẻ bài lên