Tản mạn về Gốm sứ

Vẫn muốn viết gì đó về những thứ cần mẫn gom góp qua nhiều tháng ngày mà vẫn lười và chưa biết nên viết từ đâu. Mấy hôm vừa rồi lọ mọ sắp xếp lại “kho tàng cổ tích” có thêm quyết tâm để lạch cạch gõ ra vài điều xung quanh cái thú của bản thân đó là GỐM

Cũng không nhớ chính xác là O.B  “thích gốm” từ khi nào, cứ thấy gốm ở đâu là xà vào, có thể ngắm nghía sờ mó hàng giờ. Và cũng chính vì sở thích này mà gần như chuyến đi nào cũng gói gói bọc bọc tha lôi về không ít thì nhiều, gốm từ những nơi mà O.B đến.  Có những khi hành lý thì chẳng có gì mà vẫn phải vác cái vali đi vì biết  chắc là sẽ có đồ mang về cần bảo quản cẩn thận.

Vẫn muốn viết gì đó về những thứ cần mẫn gom góp qua nhiều tháng ngày mà vẫn lười và chưa biết nên viết từ đâu. Mấy hôm vừa rồi lọ mọ sắp xếp lại “kho tàng cổ tích” có thêm quyết tâm để lạch cạch gõ ra vài điều xung quanh cái thú của bản thân...

Mỗi món đồ gốm mua về đều có lý do, hẳn là vậy thì O.B mới mua. Có khi chỉ là bạn mèo bé tí tẹo nhưng vì cái thần thái của bạn ấy mà không thể không mua. Hay có khi là cái lọ hoa cũng bé ti ti, nhìn dáng lọ, màu men hay hay là lạ và nghĩ là sẽ có nhiều thứ cắm được vào đó mà lại mua. Rồi ấm trà, chén trà, bát đĩa đủ loại... một khi đã thích thì kiểu gì cũng sẽ tiêu tốn. Lại có những lần lượn ngắm thấy thích nghĩ sẽ quay lại vào hôm sau để mua, đến khi quay lại hết giờ bán hàng, cửa đã đóng mà còn cố gõ cửa xin vào để đòi mua cho bằng được. Hoặc có lúc vét những đồng xu cuối cùng để trả giá, những lúc đó thường phải trình bày hoàn cảnh để được mua với giá khoảng nửa hay thấp hơn nhiều giá niêm yết (chỉ thực hiện được khi được “trình bày” với người làm ra sản phẩm hoặc người có quyền quyết định) :D . Rồi có lần mua được bình hoa đúng cái bình đứa bạn muốn mua mà ko mua được, nhắn nhủ “khi nào đỗ quyên nhà M nở sẽ tặng N để cắm vào cái bình đó”.  Và không ít lần thực sự phải gọi là “lặn lội” để đến bằng được những nơi làm gốm hoặc bán gốm được đồn thổi là “có tiếng” trong vùng, có lần thì thỏa lòng mong ước, nhưng cũng có lần thì phải đến mới biết là có gì, không chỉ hình ảnh mà cả “lời quảng cáo” chỉ mang tính chất minh họa :D :D

Mỗi lần đi, mỗi lần chọn mua đều có cái thú của nó, sở hữu món đồ không đơn thuần chỉ là mang nó về mà kèm theo đó là “sở hữu” cả những câu chuyện nhỏ nhỏ đi cùng. Bạn bè xung quanh không lạ gì với cái sở thích của O.B với mấy cái bình cái lọ, cốc bát xù xì, “xấu xấu” đó nữa, đôi khi còn kiên nhẫn chiều theo để đi cùng hay ngắm nghía cùng hoặc là “cho gửi nhờ”

Lúc đầu chỉ đơn thuần là thích gốm, đi lượm từ những người bán rong trên đường hay mò đến làng gốm từ hồi còn sinh viên, chưa hiểu nhiều về gốm về nghề làm gốm. Mà cũng không biết phân biệt gốm nào với gốm nào.

Dần dần mua nhiều thì mới hay nói chuyện với người làm gốm, lúc đó mới hiểu hơn về gốm, lờ mờ hiểu sự khác biệt của dòng gốm này với dòng gốm khác. Biết cách làm sao để chọn được cái ấm trà ưng ý hay biết cách mua đồ gốm về trước khi dùng thì nên ngâm ngập trong nước ít nhất là qua đêm không thì để 1 ngày để khử hết những độc tố có thể còn tồn dư trong sản phẩm (đặc biệt với đồ bát đĩa, dụng cụ dùng trong ăn uống). Càng tìm hiểu thì càng thấy mênh mông và càng muốn được biết nhiều hơn về “đất” về “nước” về những thứ tạo nên cái vẻ mộc mạc, giản đơn nhưng đòi hỏi người thợ phải thực sự tinh tế ”có nghề” để thổi hồn vào  “GỐM” làm mê hoặc không ít kẻ như O.B.

Hẳn là nhiều người giống O.B có lúc không biết là gốm hay gốm sứ thì có những loại gì, có cái thì thô thô đỏ đỏ kiểu đất nung, có cái thì rạn rạn, có cái thì trơn mượt, có cái thì nặng trình trịch, có cái thì nhẹ bẫng mỏng tang nhìn xuyên thấu. Mà lúc thì gọi là gốm, lúc thì gốm sứ, thật rối.

Để giải quyết vấn đề rắc rối này, sau khi đọc một số tài liệu, sắp xếp theo sự hiểu của O.B, thì Gốm sứ nói chung được phân loại như sau: 

I. PHÂN LOẠI GỐM (PORTTERY/CERAMIC)

  1. Đồ gốm bằng đất sét nung (Earthenware)
  2. Đồ gốm nâu đỏ không tráng men (Terracotta)
  3. Đồ gốm đất nung có tráng men (Glazed earthenware)

Men được làm bằng thủy tinh, kết dính với gốm khi nung lần 2

- Gốm trắng

- Gốm màu ngà

- Gốm màu ngọc bích

- Gốm Stafford shire

- Gốm tráng men màu thiếc: Delft, Faience, Maichica

  1. Đồ gốm trơn (Lustre ware): Có kim loại trong men
  2. Đồ sành cứng (Stone ware): Đất nung

Được làm bằng đất sét + loại đá có thể nấu chảy được --> Cứng, mạnh, trong như thủy tinh

Cốt và men chín cùng một lúc

Màu: vàng, nâu đậm, xám hoặc xanh

Vd:

- Đồ sành cứng được tráng men muối của Anh và Rhen

- Đồ gốm ngọc thạch anh và đá bazan không tráng men của Wedwood

- Đồ gốm men ngọc của TQ

  1. Đồ sứ (Porcelain):

- Đồ sứ cứng: Hard paste porcelain

Đất sét trắng chịu nhiệt (Kaolin) + đá trường thạch được nấu thành thủy tinh

Vd: sứ châu Âu (1700, Meissen), TQ, NB, Vienna, Sevre, Plymounth, Bristol

- Đồ sứ xốp: Soft paste porcelain

  Nung ở nhiệt độ thấp: Medici, Capodimonte, Route, Vincennes…

- Đồ sứ đẹp làm bằng đất sét và tro xương (Kaolin + trường thạch): Bone China

Nguồn tham khảo: https://khanhhoathuynga.wordpress.com/2009/04/19/thu%E1%BA%ADt-ng%E1%BB%AF-can-b%E1%BA%A3n-v%E1%BB%81-g%E1%BB%91m-s%E1%BB%A9/

II. PHÂN LOẠI ĐỒ GỐM VN

Theo Nguyễn Văn Y (1976)

Tiêu chí phân loại: chất liệu và độ nung của xương đất

Nguồn tham khảo:

https://khanhhoathuynga.wordpress.com/2009/06/16/g%E1%BB%91m-s%E1%BB%A9-ten-g%E1%BB%8Di-va-phan-lo%E1%BA%A1i/

(Những bạn yêu gốm có thể đọc thêm thông tin trong trang  này, có rất rất nhiều bài hay về Gốm)

 MỘT SỐ DÒNG GỐM, DÒNG MEN CỦA VIỆT NAM

  1. Gốm hoa nâu --> gốm sành xốp hoa nâu
  2. Gốm hoa lam:

- Gốm sành trắng hoa lam

- Gốm sành sứ hoa lam

  1. Gốm sứ đời Lý (1009~1225): gốm sứ đơn sắc
  2. Gốm sứ men nâu: diêu biến (lỗi nung), trang trí hoa thị (pieds de coq)
  3. Gốm Chu Đậu (từ đầu TK 14):

- Gốm men ngọc bích cuối thời Trần (1225~1413) ~ gốm TQ đời nhà Nguyên

- Gốm hoa lam (blue et blue) màu lam hồi (xanh Cobalt) Gốm sứ đầu triều đại nhà Lê

  1. Gốm sứ men trắng: ảnh hưởng của gốm sứ Nam Bắc Tống (sx tạ Cảnh Đức Trấn, Giang Tây)

- Les blues de Hue: đồ gốm ký kiểu, gốm men lam Huế

-->Triều đình Huế đặt làm tại Cảnh Đức Trấn

  • Gốm đất nung: niên đại ~ 10,000 năm
  • Gốm sành nâu: niên đại ~ 2,000 năm

Gốm sành nâu:

- Phù Lãng (Bắc Ninh) --> sành nâu có men

- Thổ Hà (Bắc Giang, từ TK 12)

  • Gốm sành xốp: Gốm Biên Hòa
  • Gốm sắc trắng: Gốm Bát Tràng (Gia Lâm, HN), ngoài ra còn có

- gốm men ngọc (thời Lý – Trần )

- gốm men nâu hay gốm hoa nâu (cuối Trần – đầu Lê )

- gốm men rạn (thời Lê – Trịnh ) và

- gốm hoa lam (vào cuối thời Nguyễn )

  • Đồ Cang:

- Hương Canh (Vĩnh Phúc)

- Ngọa Cương (Quảng Bình)

----------

Hy vọng sẽ có thời gian để tìm hiểu về từng dòng gốm của Việt Nam đến được các làng gốm để biết họ đã đang phát triển ra sao.

Ở nhà cũng có nhiều loại gốm VN nhà mình, trước đây từng thích gốm Phù Lãng vì chất mộc mạc của nó, đã từng đến nhà anh Nhung (gốm Nhung), từ thời anh còn chưa nổi tiếng, đến khuôn một loạt bình lọ trong kho của anh về bán tại hội chợ, đến giờ vẫn còn giữ được cái lọ gốm Nhung từ thời ấy, cỡ cũng đã gần 2 chục năm. Hồi đó đến làng gốm Phù Lãng  toàn chum với tiểu sành, gốm nghệ thuật chưa có mấy, anh Nhung là một trong những người tiên phong học hành tử tế ”nâng tầm” gốm Phù Lãng, nhưng rồi theo cái trao lưu một nhà làm được thì cả làng cũng làm được, và rồi một loạt các sản phẩm na ná nhau xuất hiện trên thị trường, những bình những lọ đắp nổi phù điêu. O.B chán dần từ đó...

Gốm Bát Tràng, O.B cũng được biết đến từ thời sinh viên, nhất là hồi gần ra trường làm partime cho 1 cty gốm ở BT, nhờ cái cơ duyên đó mà hiểu hơn về công đoạn làm gốm. Gốm BT thời đó đang trên đà “thịnh vượng” nhiều đại gia xuất hiện nhờ nhận gia công các sản phẩm cho các công ty nước ngoài, từ chén bát đến chậu cây...Trong làng cũng có một số lò gốm đẹp nhớ láng máng có nhà chị Mai, nhưng dần dần làng phát triển lên, có hẳn cái chợ gốm thì O.B không còn thích nữa, phải rất mất công để có thể lựa được một sản phẩm khác lạ. Gần đây nghe Nói BT rất giỏi phù phép biến những sản phẩm gốm đổ khuôn trông như gốm vuốt tay, rồi kỹ năng “make up” rất siêu. Trong nhà không có nhiều đồ gốm BT trừ một vài món đồ có từ cách đây chục năm :D

Gần đây O.B hay ghé qua gốm Hiên Vân, một tiệm gốm nhỏ trên tầng 2 tòa nhà cổ ở số 8 Chân Cầm, rất quý 2 em này, đến mua gốm nhưng lần nào cũng phải ngồi tán gẫu dăm ba câu chuyện, O.B nhìn thấy sự tận tâm trong nghề của Hiên Vân, những thạp gốm, những bình hoa, những âu hũ đựng đồ nhỏ nhỏ làm theo họa tiết cổ từ thời Lý Trần đậm nét hoài cổ. Lần nào mua đồ cũng được tặng thêm vài bạn “gà cau” xinh xinh yêu yêu. Lần mò ra gốm Hiên Vân là một lần tình cờ vào cửa hàng gốm trong HCM (Authentique Home) , cũng mất cả buổi trong đó mày mò, tha lôi, nói chuyện thì em ở Authentique nói, “ngoài bắc em thấy có gốm Hiên Vân rất có tâm”, ở Authentique Home có nhiều đồ trông hiện đại, design sắc nét.  Đương nhiên những sản phẩm gốm Việt như vậy thì không hề rẻ, và O.B thấy hoàn toàn xứng đáng với những gì mọi người đã bỏ công sức ra để có được sản phẩm đẹp, “đáng đồng tiền”.

Gốm Chi (43 Vạn Kiếp) thời nay khác nhiều so với gốm Chi ngày trước. Giờ đây vợ chồng con trai bác định hướng theo dòng gốm nghệ thuật, gốm gia dụng, cũng là bước đi mới. Bên cạnh đó Gốm Chi còn tổ chức workshop hàng tuần để mọi người được trải nghiệm làm gốm, thực hành vuốt trên bàn xoay và vẽ trang trí (300K/lần). Anh Chị là người cởi mở cấp tiến, hy vọng Gốm Chi sẽ có những bước tiến dài trong tương lai.

Bên cạnh đó gốm Chu Đậu cũng có sự chuyển mình nhiều trong mẫu mã chủng loại, hay gốm Thi Nguyên có nhiều sáng tạo trong kiểu dáng, có hơi hướng kiểu gốm Nhật, gốm Đông Gia dòng gốm hỏa biến màu men cũng rất đẹp. Gốm Mai chính là gốm bác Mai, người tạo dựng lên gốm Hiên Vân (có logo hơi giống logo của chương trình Master chef) cũng có nét độc đáo, thi thoảng kiếm được cái bát, cái đĩa hoa văn cầu kỳ, màu men nâu nâu hoặc xanh xanh khá thích. Ở Artus mọi người có nhiều sự lựa chọn vì ở đó có bán các sản phẩm gốm của nhiều lò gốm, dòng gốm khác nhau.

Thời gian gần đây gốm Việt đã được “hiện đại” hóa và “nâng tầm” hơn so với trước, O.B có cảm nhận vậy. Những người làm nghề đã để ý quan tâm hơn đến thiết kế sản phẩm, công năng và sự tiện dụng của sản phẩm cũng như cách PR sản phẩm, gốm đến được với người dùng trông lung linh, sang trọng hơn nhiều. Đó là điều đáng ghi nhận và tự hào nhưng đâu đó O.B vẫn thấy thiêu thiếu sự “tinh tế” đạt đến độ người xem, người mua phải “ồ” “òa” khi cầm sản phẩm trên tay, thứ mà O.B vẫn ao ước một ngày nào đó gốm Việt làm được khi có dịp đi sang một số nước bắt gặp một vài thứ kiểu như vậy!

(Lọ gốm Authentique)

(Bát gốm chú Hải)

(Gốm Hiên Vân)

(Lọ gốm Thi Nguyên)

(Lọ gốm hỏa biến Đông Gia)

(Ấm Quỳnh, Bát Tràng)

(Gốm sành Hương Canh, gốm anh Quang)

(Tượng Phật gốm sành Phù Lãng, anh Tuấn gốm)

Ngoài gốm Việt thì gốm Nhật là gốm mà nó được nhìn ngó, mày mò nhiều hơn so với các loại gốm khác vì đơn giản là nó có cơ hội “mò mẫm” nhiều hơn.

Có một sự thật là Gốm Nhật mua tại Nhật không hề rẻ như nhiều người lầm tưởng giá sao rẻ thế, thậm chí bán theo cân ở Việt Nam. Gốm Nhật khi về đến Việt Nam thường là gốm được thanh lý, gốm đã qua sử dụng. Tất nhiên mất công tìm kiếm thì cũng mua được những món đồ đẹp, độc đáo và giá không quá đắt.

Về gốm Nhật,

  III. PHÂN LOẠI ĐỒ GỐM NHẬT

  1. Doki: thổi khí: đất nung 土器
  2. Toki: đào khí: đất nung có men 陶器
  3. Sekki: thạch khí: sành 炻器
  4. Jiki: từ khí: sứ 磁器

Phân loại

Nhiệt độ nung

Sử dụng men

Tính chất

土器 (thổ khí)

Dưới 1000℃

Không men

Mềm, màu đất, tính thấm hút cao

陶器 (đào khí)

Từ 1200℃ trở lên

Có men

Không quá mềm, màu men, có tính thấm hút

炻器 (thạch khí)

1100~1250℃

Không men

Cứng, màu tro, tính thấm hút thấp

磁器 (từ khí)

Từ 1350℃ trở lên

Có men

Cứng, màu trắng, không thấm hút

Nguồn tham khảo: https://ja.wikipedia.org/wiki/%E7%82%BB%E5%99%A8

6 lò gốm cổ của Nhật – Nihon Rokkoyo (六古窯):

Từ thời cuối Heian đến thời kỳ Azuchimomoyama, có lịch sử trên 900 năm, mang nét đặc trưng của gốm Nhật Bản, có sự khác biệt so với các dòng gốm chịu sự ảnh hưởng kỹ thuật làm gốm du nhập từ Triều Tiên và Trung Quốc (Hagi, Karatsu, Arita, Takatori, Satsuma…)

- Seto yaki (Aichi ken, Seto shi)

- Tokoname yaki (Aichi ken, Tokoname shi)

- Echizen yaki (Fukui ken, Nyugun, Echizen cho)

- Shiragaki yaki (Shiga ken, Kouka shi)

- Tambatachikui yaki (Hyogo ken, Sasayama shi)

- Bizen yaki (Okayama ken, Bizen shi)

Nguồn tham khảo: https://ja.wikipedia.org/wiki/%E5%85%AD%E5%8F%A4%E7%AA%AF

6 lò gốm cổ này các bạn có thể đọc trong bài "Tản mạn về gốm Nhật"

https://tibisea.com/articles/5801535

Trà cụ: Thứ nhất Raku, thứ nhì Hagi, thứ ba Karatsu

 (一楽二萩三唐津)

  1. Raku yaki (Kyoto)

http://www.hairwithyou.com/rakuyaki/cat32/

2.Hagi yaki (Yamaguchi)

https://shikinobi.com/yakimono/2#04-13

3.Karatsu (Kitakyushu)

https://shikinobi.com/yakimono/3#04-19

Các dòng gốm khác của Nhật:

https://shikinobi.com/yakimono

Các lò gốm trên nước Nhật (Ảnh chụp trong Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Nhật)

Cách phân loại khác của gốm Nhật

Khi sang Nhật, gần như đến bất kỳ vùng nào mọi người cũng đều thấy có cửa hàng bán đồ gốm, có thể là từng dãy hàng trong khu phố bán đồ lưu niệm (ở Tokyo, Osaka đặc biệt ở Kyoto) hoặc trong các khu mua sắm cao cấp. Gốm có đủ chủng loại, vô cùng phong phú. Trước đây nó không có khái niệm là Gốm ở đâu, cứ gốm là được, rồi lâu dần khi mua để ý đến xuất xứ, thương hiệu của cái mình mua thì mới bắt đầu ý thức tìm hiểu xem gốm đó là dòng gốm gì, ở đâu, như thế nào. Mọi người hay nghe đến gốm Seto, Arita, Kutani, cao cấp hơn thì có Noritake (thiên về đồ sứ cao cấp nhiều hơn, giống kiểu đồ sứ Châu Âu)

Cửa hàng gốm ở Kyoto

Cửa hàng gốm ở Tamba

Trong 6 lò gốm cổ (Nihon Rokkoyo) nó có dịp đến là  lò gốm Tamba. Khi đến OB hình dung ngay tới Bát Tràng nhà mình, quy mô của làng Tamba nhỏ hơn BT nhưng cách họ tổ chức quy củ và “hấp dẫn” khách hàng hơn nhiều. Ngay đầu làng là khu trưng bày sản phẩm gốm của các lò gốm trong làng (ở BT là chợ gốm) nhưng được chăm chút trưng bày như khu triển lãm, có hiệu ứng ánh sáng, bày biện đẹp mắt và trên hết là có sự khác biệt về sản phẩm của từng lò, không bị kiểu tinh thần thống nhất cao “mười nhà như một” ở nhà mình. Sau khi vào gian hàng trưng bày sản phẩm ưng thì mua luôn tại đó hoặc không thì có thể vào từng lò gốm để thăm, lựa chọn và mua (có sơ đồ các lò gốm trong làng). Nó thấy cách làm này khoa học, các làng nghề của mình hoàn toàn có thể học tập được. Mất gần cả ngày lang thang trong khu trưng bày và vào một số lò trong làng. Đến lò gốm của bác Satoru còn được bác tặng cho cái cốc vừa mới ra lò, có mấy khi khách du lịch mò đến tận lò gốm thế này đâu, bác mừng và quý lắm.

Các gian hàng trưng bày sản phẩm của từng lò gốm trong làng Tamba

Tambayaki

Di tích lò truyền thống Noborigama (lò leo)

Thu hoạch gốm Tamba (3 cốc gốm trong đó có 1 cốc được bác  chủ lò gốm Satoru tặng)

Gốm Matsumoto (hình ảnh núi phủ tuyết)

Bộ bát cốc gốm Arita,

Đĩa gia đình cú mua được bằng những đồng xu cuối cùng ở trước Bảo tàng Quốc gia Tokyo

Khay gốm men cobalt của nghệ sỹ gốm Okinawa

Bát gà (Okinawa), bắt được một bạn về nhà

Ấm trà lò gốm Fudo (Fudogama), tỉnh Gifu 

Bộ trà Bizen cổ xưa

Bạn này thì ko biết là gốm Nhật vùng nào, được tặng, vô cùng nhẹ, màu men nâu đỏ rất đẹp

Bác cú gốm được nghệ nhân gốm ở làng gốm Okayama chế tác

(Đây là hình ảnh của Owl Boss )

Bình hoa Arita, họa tiết màu men thật đẹp

Lọ gốm nhỏ men đen độc đáo ở Kamakura

Một lần lang thang ở Uji (Kyoto), trung tâm nghệ thuật trà của Nhật, vào lò gốm Asahi, đúng kiểu lọt vào không gian nghệ thuật. Nhìn mọi thứ đều thật đẹp, lôi cuốn người xem, và tất nhiên là giá cũng ngất ngưởng. Thực ra lúc đó muốn mua ấm pha trà ở đó nhưng quá đắt nên phải nhẹ nhàng lựa chọn cái nhỏ bé hơn vì thể nào cũng phải tha về một thứ gì đó của Asahi yaki. Phải mất hàng giờ ngắm nghía, xem xét cuối cùng quyết định lấy cái lọ hoa xinh xinh, được cắm mẫu. Sau một hồi  trò chuyện với cô bán hàng thì cũng bớt được cái phần lẻ (thuế), cũng đỡ được chút chút.

bạn ấy trong cửa hàng và ở nhà O.B

Sắc thu với lọ gốm Shigaraki (1 trong 6 lò gốm cổ)

Bình hoa gốm mộc, thật đơn giản nhưng thật đẹp

Vẫn tiếp tục lang thang và cóp nhặt từng món đồ gốm  ở khắp nơi, dường như đồ gốm mỗi nơi cũng mang phong vị của đất trời và con người nơi đó, nó có cảm giác vậy.

Khoảng sân bán đồ gốm ở Perugia (Italy), nhớ những ngày lang thang ở đây

Trong cửa hàng đồ gốm có lịch sử hàng trăm tuổi ở Perugia
Bình gốm Italy
Bát gốm làng gốm Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ
Ấm trà men nâu Hàn Quốc, cốc gốm Ấn Độ
Bàn trà tại nhà những ngày WFH (làm việc tại nhà khi giãn cách XH vì Covid)
Công và cú gốm Malaysia, các bạn ấy thật điệu đà, xinh đẹp

Ở nhà còn rất nhiều những món lẩm cẩm mà OB đã tha lôi về, món thì dùng hàng ngày, món thì lâu lâu mới lôi ra dùng nhưng món nào cũng thấy yêu thấy quý, đem lại cho OB và Tibisea sự ấm cúng, thư thái giản đơn. Có lẽ không chỉ OB thấy vậy mà bất kỳ ai yêu gốm sẽ đều có cảm nhận đó, những tâm hồn GỐM!

Góc gốm xưa yêu thích của O.B

O.B bên bức tường gốm ở Bologna

Chia sẻ bài lên