Chawan (茶碗)

Chawan (茶碗)

Chawan trong trà đạo Nhật Bản nói chung có rất nhiều loại, thuộc nhiều dòng gốm khác nhau. Nó như là một thế giới rộng lớn không đường biên để người thợ gốm thỏa sức sáng tạo cùng các trà nhân tạo nên một nhân tố không thể thiếu trong nghi thức thưởng trà được nâng lên thành đạo - “Trà đạo” của người Nhật. Vậy Chawan có gì đặc biệt?

Mua một lô bát trà về, bày ra nhà, bần thần chưa biết sẽ phải làm gì.

Gốm nhiều người thích, gốm Nhật cũng nhiều người thích nhưng Bát trà thì không phải ai cũng thích. Tớ đã xác định tư tưởng không ai mua thì sẽ để tự ngắm :D

Cả buổi tối lọ mọ lạch cạch đánh rửa sạch sẽ từng cái, nhìn từng cái triện, chữ ký trên bát thấy thật mông lung, làm thế nào để xác định được từng bát trà thuộc dòng gốm nào. Bát trà của Nhật thì quá nhiều, tớ mới nghe đến "Thứ nhất Raku, thứ nhì Hagi thứ ba Karatsu", rất rất sơ đẳng về trà cụ nói chung và Bát trà nói riêng. Quyết định mò vào internet để tìm hiểu thì đúng như rơi vào ma trận, dây cà ra dây muống đến u hết cả đầu. Key word để tớ bắt đầu tìm kiếm đó là “桃山” (Momoyama) được ghi trong mục tên sản phẩm trên 1 chiếc hộp duy nhất đựng cái bát đẹp nhất trong cả lô bát mua về. Đọc một loạt các trang, từ trang nọ link sang trang kia trong vòng 3 tối mới lờ mờ hình dung ra cái thế giới “Chawan” nó là thế nào. Đến giờ ngồi để tổng hợp lại cũng chưa biết bắt đầu từ đâu…

Lần đầu tiên được tham gia buổi trà đạo là vào những ngày mùa đông tuyết rơi trắng xóa ở Akita năm 2002, gần hai chục năm rồi nhưng tớ vẫn nhớ hình ảnh của buổi trà ngày hôm đó. Ấn tượng ban đầu bao giờ cũng lưu giữ lại thật lâu, thật đậm nét. Đó là lớp học trà đạo của một chị cùng cty, tớ mới chân ướt chân ráo từ Việt Nam sang, chị rủ tớ tham gia lớp trà đạo cùng chị, chị đã xin phép cô giáo để tớ được tham gia buổi học đó. Tớ nhớ cô giáo (đúng hơn là bà giáo) trông thật quý phái, đẹp dịu dàng đằm thắm trong bộ Kimono. Các học viên cũng mặc Kimono khi tham gia buổi học trừ tớ là học viên dự thính. Bà giáo rất ân cần hướng dẫn tỉ mỉ cho tớ từng tí một, một số thuật ngữ lúc đó tớ không hiểu hết, nhất là những lời chào mời nhau khi bắt đầu buổi trà đạo. Thực sự bị ấn tượng với không gian của trà thất và cái không khí vừa trang nghiêm vừa ấm cúng của buổi trà hôm đó, cũng có lẽ bởi lần đầu sang Nhật, lần đầu được tham dự vào một buổi học như thế. Và một điều bất ngờ lớn hơn nữa với tớ là khi trở về Việt Nam, đột nhiên một ngày tớ nhận được 1 thùng hàng rất to từ Nhật được gói ghém cẩn thận, giở ra là một số “trà cụ” mà bà giáo và các chị trong lớp trà đạo đã gửi tặng . Một số thứ tớ vẫn còn giữ đến bây giờ, chỉ có Bát trà thì đã bị vỡ cách đây nhiều năm vì một bạn mèo nhà hàng xóm chạy qua.

Quay trở lại với Bát trà, có thể nói Bát trà là một trong những trà cụ quan trọng nhất, được nâng niu trà nhân trân trọng.

Dụng cụ trà đạo thường gồm có:

  • Lò và ấm đun nước (Kama);
  • Hộp đựng trà (Natsume),
  • Chổi đánh trà (Chasen);
  • Thìa múc trà (Chasaku);
  • Bát trà (Chawan);
  • Khăn lau (Chakin);
  • Gáo múc nước (Shaku);
  • Hũ đựng nước (Mizusashi);
  • Ang trà (Kensui)…

http://www.urasenke.or.jp/textb/beginer/dougu.html

https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%A0_%C4%91%E1%BA%A1o_Nh%E1%BA%ADt_B%E1%BA%A3n

 Bát trà được làm bằng gốm, các lò gốm nổi tiếng thường xuất phát từ làm trà cụ như Bát trà, ấm trà, bình cắm hoa (Hanaire)…

Nhắc đến Chawan người Nhật thường nói Thứ nhất Raku, thứ nhì Hagi thứ ba Karatsu「一楽、二萩、三唐津」là để nói về 3 dòng gốm làm trà cụ được đánh giá cao từ thời xưa.

Bát trà Raku: phổ biến là bát trà Raku đỏ, men được hình thành qua quá trình nung do chất đất có chứa oxit sắt.

  • Rakuyaki là gốm vùng Kyoto, xương gốm vuốt tay ko dùng bàn xoay (Tebineri 手びねり)giống gốm Bàu Trúc của Việt Nam, cốt xương xốp, tinh tế nung ở nhiệt độ thấp
  • Phát triển mạnh mẽ từ Thế kỷ 16, gốm Raku được gọi là vũ điệu ngũ hành

Gốm đương nhiên được tạo hình từ đất (Thổ). Xong phần tạo hình, phơi khô, đất được phủ men là các loại ôxít kim loại (Kim), sau đó cho vào lò nung (Hỏa). Khoảng 50 phút sau khi được nung với nhiệt độ tầm 1.000 độ C, sản phẩm được gắp ra khỏi lò đột ngột, đặt vào các thùng có chứa vật liệu cháy như mùn cưa, giấy vụn, lá khô, ... (Mộc). Sản phẩm bị sốc nhiệt, men rạn, nứt ra tạo thành các khe nhỏ. Khói từ vật liệu cháy len vào các khe tùy biến thành các hình thù bất định. Sau thời gian ngắn ủ khói, sản phẩm đến với bước cuối cùng, được ngâm vào nước lạnh (Thủy).

 Bát trà Hagi: gốm thô mộc, họa tiết ngẫu nhiên. Có những vết rạn nhỏ trên phần men.

Trong quá trình sử dụng, nước trà ngấm qua kẽ vết rạn làm biến đổi bề mặt Bát trà

  • Hagi yaki (thuộc tỉnh Yamaguchi), bắt nguồn từ thợ gốm Hàn Quốc cuối Thế kỷ 16 (Nhật xâm lược bán đảo Triều Tiên) hình thành những dòng gốm mới như Hagi, Arita, Satsuma
  • Hagi sử dụng hai loại đất sét mềm, hạt mịn làm vật liệu cơ bản. Đất sét đầu tiên được trộn với nước, sau đó dàn phẳng. Trong quá trình thực hiện, dăm gỗ thường được thêm vào, làm cho các phần ít đậm đặc hơn nặng lên, trong khi các phần nặng hơn nữa thì chìm xuống dưới đáy. Quá trình chuẩn bị này được lặp lại trong hai tuần cho đến khi lượng nước trong hỗn hợp đất sét được lọc hoàn toàn mà không có bất kỳ dư lượng nào, và đất sét tinh khiết, mịn được lấy ra từ đáy thùng. Màu từ đỏ đến cam của đất sét rất quan trọng vì nó sẽ quyết định kết cấu và màu sắc của bề mặt gốm Hagi
  • Vẻ đẹp của đồ gốm Hagi được đánh giá cao không chỉ vì màu đất mà còn cả màu men. Các men màu be mờ là để vẽ ra màu sắc tự nhiên, sâu sắc của đất sét. Sau khi được nung nóng trong lò nung, men tạo ra một mạng lưới các vết nứt và lỗ “chân lông” mịn – được gọi là kan-nyuu (貫入) do trong suốt quá trình làm nóng và làm mát đột ngột, các vết nứt hình thành do lớp men co lại nhanh hơn đất sét.
  • Bát, chén trà Hagi còn dễ nhận biết bằng hình khuyết tam giác ở chân đế theo quan niệm vẻ đẹp từ chính những khiếm khuyết, không hoàn hảo của gốm.

Gốm Karatsu (Tỉnh Kitakyushu)

- Các kỹ thuật được sử dụng để tạo ra đồ Karatsu được cho là đã được đem về từ bán đảo Triều Tiên trong cuộc xâm lược của Nhật Bản vào cuối thế kỷ 16.

- Gốm được nung trong các lò nung gốm trên núi, đồ gốm Karatsu được làm từ đất sét cao chứa chất sắt (bazan?) và có thể được trang trí bằng một lớp nền cũng chứa hỗn hợp chất sắt, tạo cảm giác gần gũi với đất, đơn giản và tự nhiên.

- Hầu hết bát trà Karatsu màu ghi xám (màu lông chuột) hoặc men tro đất. Có nét vẽ mộc mạc cá tính, còn được gọi là Ekaratsu

Ngoài Raku, Hagi và Karatsu được kể trên, giới trà đạo của Nhật còn đề cao 1 dòng Chawan nữa là Ido Chawan (井戸茶碗) cũng bởi chất gốm thô mộc và dáng bát được tạo hình tròn đẹp, giúp pha trà dễ dàng hơn.

Quay trở lại với Key word của lô trà mà tớ tha về lần này “Momoyama”, ban đầu tớ suy đoán Momoyama như là tên của một dòng gốm hay lò gốm nhưng thực ra không phải. Momoyama là một thời kỳ phát triển đỉnh cao của nghệ thuật trà đạo Nhật Bản trong thế kỷ 16 gọi là Wabi cha (詫びちゃ) được Sen No Rikyu (千利休) khởi xướng.  Từ đó hình thành nên một dòng sản phẩm gọi là Momoyama Chato (桃山茶陶) tạm dịch là trà cụ gốm kiểu Momoyama. Tiêu biểu có những loại như:

KISETO (黄瀬戸) tạm dịch gốm Seto vàng: là dòng gốm sử dụng men tro màu vàng với hoa văn màu xanh lá và nâu đậm (kogecha - màu lá trà cháy)  (men oxit sắt), mang vẻ đẹp truyền thống của Nhật được phát minh từ thời kỳ Momoyama (thế kỷ 16)

SETOGURO (瀬戸黒) tạm dịch gốm Seto đen: là dòng gốm đen tuyền được phát minh vào thời kỳ Momoyama. Sử dụng men oxit sắt, gốm biến màu bằng cách dội nước vào sản phẩm gốm đang nung đỏ ở nhiệt độ khoảng 1.150 độ sau đó làm lạnh đột ngột làm gốm chuyển sang màu đen tuyền

SHINO yaki (志野焼): xương gốm chứa nhiều khoáng chất

Shino-yaki là một trong những đồ gốm được yêu thích nhất bởi loại hình đa dạng, nó được sử dụng cả trong phòng trà và trên bàn ăn. Cái tên Shino được đặt cho dòng gốm này cũng nhằm thể hiện cho men của nó, kiểu men dịch chuyển từ màu trắng tuyết sang màu kem sẫm và phía trên là màu xám, thậm chí cả lớp màu vàng cam khá dày, kết cấu bề mặt không phẳng thường vón cục lại và tạo ra những lỗ nhỏ. Do sự bao hàm trong nó cả linh hồn phù du và thực tại mà đồ Shino-yaki thực sự rất đặc biệt để các tín đồ của Shino-yaki có thể dễ dàng phân biệt được.

Đồ Shino được ưa chuộng sử dụng vào mùa đông, lớp men dày và màu men khiến người ta gợi nhớ tới hình ảnh của tuyết, lớp men luôn được phủ dày lấp lên các lỗ hổng giúp cho tách trà được giữ nhiệt rất tốt.

Đây là dòng men trắng đầu tiên của Nhật, nó được làm ra bằng cách trộn lẫn các khoáng chất với đất sét. Trường hợp men mỏng, các khoáng chất thường có màu như của đất sét đôi khi là màu nâu sẫm, gọi là okoge (bị cháy) hoặc màu đỏ tươi, gọi hi-e (điểm cháy). Những dấu ấn xuất hiện một cách ngẫu nhiên trên sản phẩm đều là những nét đẹp tuyệt vời, những sự ngẫu nhiên đó không thể đoán trước được, chính vì vậy mà nó luôn nhận được tình cảm đặc biệt của những người sành trà.

Trong gốm Shino cũng được chia ra làm nhiều loại, có thể kể đến như:

Muji Shino (Tạm dịch Shino trơn): Gốm Shino với màu men trắng thuần khiết.

 E-Shino: là đồ Shino có lớp men được phủ lên các họa tiết được vẽ trên lớp oxit sắt, chúng xuất hiện hay biến mất phụ thuộc vào độ dày khác nhau của lớp men, và kết quả là đã tạo ra sản phẩm có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Chúng được gọi là e-Shino (e có nghĩa là hình ảnh).

Nezumi Shino: người nghệ nhân sử dụng kỹ thuật khắc họa tiết trên lớp oxit sắt rồi sau đó tráng men Shino lên trên, kết quả sẽ tạo ra sản phẩm có bề mặt với những trang trí có màu xám sáng. Và được biết tới với tên gọi là nezumi Shino (hay màu lông chuột).

Nerikomi Shino: trộn lẫn 2 loại đất sét trắng và đất sét có chứa oxit sắt và phủ men khoáng chất (feldspar glaze), những chỗ có chứa thành phần oxit sắt sẽ hình thành màu nâu, phần đất sét trắng tạo nên màu trắng của sản phẩm. Đó là sự kết tinh vẻ đẹp trộn lẫn giữa đất sét đỏ và đất sét trắng

Aka Shino (Shino đỏ): Gốm Shino đỏ với cùng kỹ thuật như loại gốm Nezumi Shino cho ra màu men đỏ gọi là Aka Shino. Aka Shino có loại đỏ trơn, khác với Nezumi Shino chỉ có loại khắc họa tiết

Beni Shino (Shino hồng): tạo sắc hồng bằng bùn chứa oxit sắt, với đặc trưng khắc họa bằng oxit sắt chứ không bằng nét khắc như Nezumi Shino.

ORIBE yaki (織部焼): là dòng gốm được sản sinh nhờ kết hợp các kỹ thuật phát minh với gốm Momoyama như Kiseto, Setoguro hay Shino…, đem lại sự độc đáo phong phú đa dạng cho gốm Oribe. Ví dụ men của gốm Oribe sử dụng màu đen tuyền của dòng Setoguro cho ra loại gốm Oribeguro hay Kuro Oribe (Oribe đen). Hoặc men xanh lục phát minh của dòng gốm Kiseto tạo ra loại Ao Oribe (Oribe xanh), hay sử dụng khoáng chất của gốm Shino cho ra loại gốm Shino Oribe…

Ngoài ra theo men của gốm, loại Bát trà Tenmoku (men Thiên mục) cũng hay được người sành trà nhắc tới. Lớp men được tráng lên phần gốm và được đem đi nung ở nhiệt độ cao. Khác biệt lớn nhất là loại men này có làm lượng ôxít kim loại cao nên sau khi nung tạo ra nhiều màu sắc và hình thù rất riêng. Tuỳ theo loại kim loại nào có trong lớp men mà bát trà thành phẩm lại có màu sắc riêng biệt. Có một số loại men thiên mục đặc trưng như:

Du trích là để chỉ loại men Thiên mục lốm đốm trắng hay nâu như những giọt dầu bị bắn trong chảo chiên. Đôi khi lại là những vệt dài như vết dầu hay vết sơn chảy.

Thố hào: có những vệt trắng rất mịn tựa như lông của con thỏ. Thực ra Thố hào là một dạng biến thể của Du trích do dùng nhiệt độ cao hơn nhiều để phân tử kim loại không chỉ nổi lên bề mặt men mà còn tan chảy kéo thành một đường dài. Hàng nghìn giọt kim loại siêu nhỏ trượt thành một đường dài chồng lên nhau tựa như những cọng lông nhỏ xếp chồng vào nhau như lông thỏ.

Hoả biến là loại men Thiên mục có màu nâu đỏ như một ngọn lửa. Đây là kiểu men Thiên mục rất thịnh hành và hiện này được sản xuất nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản và cả Đài Loan. Màu nâu đỏ là kết quả của hàm lượng oxit sắt rất cao (12-20%) có trong lớp men làm nên hỏa biến. Màu sắc đậm hay nhạt thì lại tuỳ thuộc vào độ dày của lớp men, men được tráng mỏng thì hỏa biến có màu nâu đỏ nhạt còn men được tráng dày thì hỏa biến sẽ có màu sẫm hơn. Màu sắc còn phụ thuộc vào nhiệt độ nung và kỹ thuật của nghệ nhân làm gốm.

Trà diếp mạt (bột trà) hay Chayomatsu là dạng men Thiên mục có những chấm li ti nhỏ như trà cám. Khác với Du trích, Trà diếp mạt có hàm lượng nhôm thấp nhưng lại chứa nhiều oxit magiê (3-5%) nên sau khi nung thì loại men này có những tinh thể li ti màu vàng xanh nổi trên bề mặt như có bột trà xanh được rắc lên. Thời gian làm nguội của loại men này cũng dài hơn bình thường để các tinh thể này có đủ thời gian để hình thành.

Mộc diếp hay Konoha là dạng men Thiên mục có hình một chiếc lá nguyên vẹn trong lòng chén hay dĩa. Không giống như những loại men Thiên Mục khác khi các đường nét hay họa tiết là kết quả của việc nung các thành phần kim loại trong men, hình chiếc lá của Mộc diếp có được đơn giản là khi tráng men người làm gốm sẽ cho thẳng một chiếc là vào đó.

Chawan trong trà đạo Nhật Bản nói chung còn nhiều loại khác nữa, nó như là một thế giới rộng lớn không đường biên để người thợ gốm thỏa sức sáng tạo cùng các trà nhân tạo nên một nhân tố không thể thiếu trong nghi thức thưởng trà được nâng lên thành đạo - “Trà đạo” của người Nhật.

________________________

Tổng hợp và lược dịch

https://wa-gokoro.jp/accomplishments/sado/441/

http://machawan.com/

https://ja.wikipedia.org/wiki/%E4%BA%95%E6%88%B8%E8%8C%B6%E7%A2%97

https://art.iroiro.co/article/art/chawan/teabowl-kokuhou/

http://www.oribe.gr.jp/cgi-bin/oribe/siteup.cgi?category=3&page=1

http://www.hairwithyou.com/rakuyaki/cat32/

http://takoyaki.asia

https://shikinobi.com/yakimono

http://baotanglichsu.vn

https://danhtra.com/thien-muc-tenmoku/

 

Chawan (茶碗)
Chia sẻ bài lên