Lịch sử gốm sứ trên Thế giới và Việt Nam

Lịch sử gốm sứ trên Thế giới và Việt Nam

Dường như gốm gắn liền với đời sống của con người từ những ngày đầu sơ khai, vậy Gốm đã ra đời từ khi nào và như thế nào trên thế giới và ở Việt Nam nhỉ...

Lịch sử gốm trên TG

Gốm được cho là xuất hiện cách đây khoảng 10,000 năm, tuy nhiên cũng có nguồn thông tin thì lại cho rằng đồ gốm đầu tiên được con người tạo ra cách đây khoảng 28.000 năm trước công nguyên trong thời kỳ đồ đá cũ, là tượng một người phụ nữ tên là thần vệ nữ của Dolní Věstonice ở gần Brno thuộc Cộng hòa Séc. Cũng ở khu vực này còn thấy có rất nhiều bức tượng nhỏ bằng đất sét hình động vật thời kỷ Băng hà còn sót lại bên cạnh lò nung hình móng ngựa.

Đồ gốm đầu tiên xuất hiện ở khu vực Đông Á sau khoảng vài ngàn năm. Ở hang Xianrendong ở Trung Quốc, những mảnh bình lọ gốm được tìm thấy có niên đại 18.00~17.000 năm trước công nguyên. Đồ gốm Trung Quốc sau đó lan rộng tới Nhật và những vùng viễn đông nước Nga khu khảo cổ tìm thấy đồ gốm có niên đại 14.000 năm trước công nguyên.

Đồ gốm được sử dụng ngày càng nhiều trong thời kỳ đồ đá mới cùng với sự hình thành các khu dân cư tập trung làm nông nghiệp và trồng trọt. Từ khoảng 9.000 năm trước công nguyên đồ gốm trở nên phổ biến như dụng cụ đựng nước, thực phẩm, đồ nghệ thuật, gạch ngói trải rộng từ Châu Á cho đến Trung Đông và Châu Âu. Đồ gốm thời kỳ đầu chỉ được phơi nắng hoặc nung ở nhiệt độ thấp (dưới 1.000°C) trong những lò nung thô sơ đào dưới đất. Hoa văn họa tiết cũng rất đơn giản, thường là trơn hoặc trang trí đơn giản những nét vẽ đường thẳng hoặc hoa văn hình họa.

Đồ đất nung cổ nhất tìm thấy ở Trung Đông có tuổi khoảng 7000 năm trước Công Nguyên (TCN). Hình dáng của chúng được phỏng theo các giỏ đan. Có thể trước tiên người ta đã trát đất sét lên các giỏ đan và để khô, sau đó nghĩ ra cách chỉ dùng đất sét để tạo hình và nung.

Phát minh ra bàn xoay (3000 năm TCN) là một tiến bộ kỹ thuật cách mạng trong tạo hình đồ gốm, tạo điều kiện cho sự phát triển phong phú về hình dáng sản phẩm cũng như các kỹ thuật trang trí khác nhau.

Có thể nói lịch sử đồ gốm gắn liền với lịch sử xã hội con người. Dựa theo chất liệu, hình dáng và kỹ thuật trang trí đồ gốm có thể xác định trình độ phát triển của một cộng đồng dân cư vào một thời kỳ nào đó trong lịch sử.

Danh từ “ceramics” nghĩa là gốm sứ, xuất phát từ chữ “keramos” tiếng Hy Lạp nghĩa là “vật nung”. Ngày nay ở thủ đô Athens, Hy Lạp vẫn còn một khu phố tên là Kerameikos, nơi ngày xưa người ta sản xuất đồ gốm. Kỹ thuật làm đồ gốm Hy Lạp và Etruria sau đó được người La Mã tiếp nhận và phát triển mạnh mẽ.

Lịch sử gốm sứ Việt Nam

Ở Việt Nam, đồ gốm thô cổ được tìm thấy có niên đại cách đây khoảng 6.000 năm. Đến đời các vua Hùng, chúng ta đã có gốm Phùng Nguyên, gốm Gò Mun (Vĩnh Phú, nay thuộc Phú Thọ). Xương gốm đã bắt đầu được tinh luyện, nhiệt độ nung vào khoảng 800-900°C.

Gốm sứ miền Bắc

Từ thế kỷ 11 trở đi chúng ta đã có các trung tâm sản xuất gốm như Hà Bắc (nay thuộc Bắc Giang), Thanh Hóa, Thăng Long, Quảng Nam. Gốm men Đại Việt thời kỳ này khá nổi tiếng, bằng chứng là các sản phẩm gốm và gạch ngói xây dựng chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Quốc Tử Giám (Hà Nội), Tháp Chàm (Quảng Nam).

Thời nhà Trần có gốm Thiên Trường (Nam Định) với sản phẩm bát đĩa, bình lọ men ngọc (thời Lý-Trần), men nâu (cuối thời Trần, đầu thời Lê).

Trung tâm gốm Chu Đậu là nơi sản xuất gốm lớn trong suốt 3 thế kỷ từ thế kỷ 14-17, nổi tiếng làm gốm hoa lam cực kỳ tinh xảo. Gốm hoa lam xuất hiện và được sản xuất tại Việt Nam từ cuối thời Trần (thế kỷ 14) đến tận ngày nay. Thời cực thịnh của nó là từ triều Lê đến triều Mạc, thế kỷ 15-17, nghĩa là trong vòng 200-300 năm. Bằng chứng là chiếc bình gốm hoa lam độc đáo do nghệ nhân họ Bùi, người Nam Sách (Hải Dương) chế tác năm 1450, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tokapi Saray ở Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồ gốm Việt Nam thế kỷ 15

Một bình gốm Việt Nam từ thế kỷ 15, được trưng bày ở viện bảo tàng Cleveland Museum of Art

Đặc biệt vào cuối thời Trần, thế kỷ 15, ở nước ta đã bắt đầu hình thành làng gốm nổi tiếng Bát Tràng (Hà Nội), nơi định cư của những người thợ gốm từ làng Bồ Bát, tỉnh Thanh Hóa tới. Bát Tràng nổi tiếng với các sản phẩm gốm men ngọc, men rạn (thời Lê-Trịnh), gốm hoa lam (cuối thời Lê đầu thời Nguyễn). Qua nhiều thăng trầm, làng gốm Bát Tràng vẫn còn tồn tại đến ngày nay, thích ứng với cơ chế thị trường, phát triển mạnh mẽ, phồn thịnh và trở thành trung tâm gốm cổ truyền lớn nhất nước ta. Sản phẩm gốm Bát Tràng không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Gốm sứ miền Nam

Ở miền Nam có gốm Cây mai ở Sài Gòn – Chợ Lớn, nổi tiếng với gốm sành tráng men màu với các sản phẩm trang trí rất mỹ thuật như lọ hoa, chậu, đôn… Gốm Cây Mai tồn tại trong vòng 200 năm, đến đầu thế kỷ 20.

Tại miền Nam hiện nay có hai trung tâm gốm lớn là Biên Hòa (Đồng Nai) và Bình Dương, nối tiếp truyền thống của gốm mỹ nghệ Cây Mai trước đây. Trung tâm gốm Biên Hòa hình thành vào đầu thế kỷ 20, nổi tiếng với gốm mỹ thuật chất liệu sành xương xốp tráng men màu xanh đồng trổ hoa văn, hay men trắng sáng và trắng sữa tinh khiết, với màu sắc trang trí rực rỡ, tươi sáng. Những thành tựu của gốm Biên Hòa từ năm 1925 là kết quả tổng hợp của sự kế thừa truyền thống gốm Cây Mai và tiếp thu tinh hoa của gốm Limoges (Pháp), do bà Balik giảng dạy và thử nghiệm ở trường Mỹ nghệ Thực hành Biên Hòa (nay là trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai).

Gốm sứ Limoges của Pháp

Những nét hoa văn trên gốm sứ Limoges khá “quen thuộc” với người dân Việt Nam.

https://hieuco.net/tin-tuc-su-kien/mot-so-thong-tin-ve-do-su-ky-kieu-limoges-cuoi-thoi-nguyen-218.html

Lò nung gốm cũng được những người thợ Việt Nam cải tiến không ngừng. Từ lò ếch (lò cóc), lò đàn ngày xưa đến lò bầu (hay lò rồng có nhiều bầu), lò hộp (lò đứng). Và ngày nay đã tiếp thu kỹ thuật của lò buồng giai đoạn hiện đại (gọi là lò con thoi), đốt bằng nhiên liệu khí, tường và vòm lò lát bông gốm chịu nhiệt. Nhiệt độ và môi trường nung trong lò được kiểm soát dễ dàng, chính xác tạo điều kiện giảm lao động nặng nhọc của người thợ, nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm gốm sứ.

Về sản xuất gốm sứ dân dụng, mỹ nghệ và gốm kỹ thuật ở quy mô công nghiệp, hiện nay chúng ta có công ty sứ Hải Dương, nhà máy sự điện Hoàng Liên Sơn, công ty gốm sứ Minh Long, ngoài ra còn rất nhiều nhà máy khác trên cả nước. Về gốm sứ xây dựng, đã có hàng chục nhà máy với thiết bị công nghệ hiện đại, sản xuất gạch ngói, tấm ốp lát ceramic, granit, sứ vệ sinh… phục vụ cho nhu cầu vật liệu xây dựng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta hiện nay.

_________

Lược dịch và tổng hợp

https://ceramics.org/about/what-are-engineered-ceramics-and-glass/brief-history-of-ceramics-andglass#:~:text=The%20oldest%20known%20ceramic%20artifact,during%20the%20late%20Paleolithic%20period.&text=It%20is%20believed%20that%20from,artifacts%20dating%20to%2014%2C000%20BCE.

https://gomsuu.com

Lịch sử gốm sứ trên Thế giới và Việt Nam
Chia sẻ bài lên