Lịch sử gốm Tsuboya
Gốm theo tiếng địa phương của Okinawa gọi là Yachimun (やちむん). Vào nửa cuối thế kỷ 16, gốm bắt đầu được sản xuất ở vương quốc Lưu Cầu (琉球 - Ryukyu) mà nay là Okinawa. Vào năm 1682 để phát triển nghề gốm ở đây chính quyền đã tập hợp 3 lò gốm chính tại thời điểm đó và lấy tên địa danh Tsuboya đặt tên cho làng gốm gọi là Tsuboya yaki (Gốm Tsuboya). Với đặc trưng khác biệt của dòng gốm này, năm 1976 nhà nước đã vinh danh gốm Tsuboya là sản phẩm thủ công truyền thống của Nhật.
Đặc trưng của Tsuboya yaki
- Kỹ thuật nung: gốm 2 loại cơ bản là Arayachi (荒焼, tạm dịch là nung thô ) và Joyachi (上焼, tạm dịch là nung có men)
- Nung thô là nung không men ở nhiệt độ trên dưới 1.120 độ C. Thường là các vật dụng lớn như chum đựng rượu, ang đựng nước…
- Nung có men là xương gốm được tráng men sau đó nung ở nhiệt độ khoảng 1.200 độ C. Sản phẩm chủ yếu là đồ dùng gia đình như bát, đĩa, cốc, bình rót rượu…
- Chất đất: người ta cho rằng đồ gốm ở Okinawa bền và người dùng thấy “ấm áp” là do chất đất ở Okinawa tạo nên.
- Men: men của Tsuboya yaki khá phong phú, các màu men trắng, đỏ, đen, lục, lam, chàm… thường thiên về gam màu ấm mà ta thấy màu chủ đạo là màu đỏ, nâu, xanh…
- Tạo hình: gốm chế tác thủ công được tạo hình bằng bàn xoay, cũng có khi là nặn tay hoặc đổ khuôn tạo hình rồi tinh chỉnh…
- Tạo men, trang trí: gốm Tsuboya cũng sử dụng các kỹ thuật về men như nhúng men, phun men hay dội men…
Về trang trí, cũng dùng các kỹ thuật trang trí trên bề mặt gốm như các làng nghề khác như vẽ trên sản phẩm, in hoa văn, dùng triện đóng…
(các bạn có thể xem thêm bài viết về Trang trí bề mặt gốm Nhật tại trong link sau: https://tibisea.com/articles/5824891 )
Hoa văn đặc trưng mà ta thường thấy ở Tsuboya yaki là hình vẽ tôm, vẽ cá với sắc đỏ hoặc nâu đỏ tươi sáng mô tả sự sung túc của người dân nơi đây.
Ở lò gốm Ikutoen (育陶園), lò gốm cổ xưa duy trì hơn 300 năm cho đến nay vẫn lưu giữ và tiếp tục phát triển những kỹ thuật làm gốm truyền thống có 3 hoa văn chủ đạo chính là Karakusa (họa tiết dây lá) tượng trưng cho sự trường thọ và phồn vinh, hoa văn Kikumon (họa tiết cúc) mang ý nghĩa chữa lành bệnh tật và kéo dài tuổi thọ và Sakanamon (hoa tiết cá) tượng trưng cho sự giàu có và hạnh phúc.
Họa tiết Karakusa
Họa tiết Kikumon
Họa tiết Sakanamon
Sản phẩm đặc thù của Tsuboya yaki
Tsuboya yaki phong phú về chủng loại, các đồ gia dụng như bát, đĩa, cốc, tách, dụng cụ đựng như chum rượu, ang nước… nhưng nếu nói về đồ gốm Tsuboya thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến Shisa (tượng sư tử), Dachibin (bình rượu đeo bên người) hay Karakara (bình rót rượu) với tạo hình riêng có của vùng Okinawa. Ngoài ra còn có những tấm biển khắc chữ Ishiganto(石敢当) treo ở góc ngã 3, ngã tư đường để trừ tà (chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc), hay hũ đựng tro cốt (厨子甕 - Zushigame) và bình đựng rượu đem biếu tặng mang lại điều tốt lành gọi là Yushibin (嘉瓶)
Tượng Shisa
Bình rượu Dachibin
Bình rót rượu Karakara
Nhớ hồi năm 2017, tớ cùng nhóm bạn đến Okinawa nhân dịp nghỉ lễ 30/4, biết tớ thích gốm nên cả nhóm đến làng gốm nổi tiếng ở Naha. Hồi đó tớ chưa có thói quen nhớ tên các dòng gốm nên cũng không biết làng gốm mình đến là Tsuboya. Cũng giống như đến các làng gốm khác hoặc những nơi bán gốm, thấy cơ man nào là gốm, chỉ lướt qua các cửa hàng thôi chắc cũng mất hàng tiếng. Hôm đó tớ nhớ có bác hướng dẫn chỉ cho một lò gốm nổi tiếng, nghệ nhân của làng, tớ không còn nhớ tên chính xác. Bác nghệ nhân đó mới ra lò một mẻ gốm màu xanh (cobalt) đúng màu yêu thích của tớ. Vậy là tớ cứ đắm đuối vào chỗ gốm màu xanh ấy mà không còn để ý đến những thứ khác. Sau một hồi ngắm nghía, nâng lên đặt xuống tớ cũng quyết định chọn cho mình một cái khay vuông có chân mà tớ thích. Mua được món đó là thấy hoan hỉ lắm rồi, phần vì không dám tha lôi nhiều, phần vì không có nhiều tiền để khuôn những đồ gốm khác nên đến các hàng gốm khác chỉ lướt nhanh.
Trong cửa hàng gốm
Dãy sản phẩm màu xanh cobalt yêu thích của tớ
Tớ "ôm" được cái khay xanh về
Bạn gà gốm này cũng ở Okinawa nhưng bạn ấy không mang họa tiết truyền thống của Tsuboya yaki. Tớ mua trong một cửa hàng gốm khi đi lang thang ở khu Kokusai doori ở Naha
Tại thời điểm đó tớ hoàn toàn chưa có khái niệm về Tsuboya yaki, đồ gì là đặc trưng của dòng gốm này. Cũng có thấy bán nhiều tượng sư tử, nhiều bình rót rượu… nhưng những thứ đó không phải sở thích của tớ nên tớ không quan tâm và cũng không có nhiều ấn tượng về mấy loại đó. Hơn nữa thể loại gốm màu sắc sặc sỡ không phải “gu” của tớ nên cho đến một ngày có người hỏi tớ về Tsuboya yaki thì tớ mới tra cứu và lục lại trí nhớ của mình. Đến khi tìm hiểu về dòng gốm này, ngắm lại mấy cái con cá xanh xanh đỏ đỏ thì cũng thấy có nét hay hay. Mà cũng chỉ là họa tiết con cá thôi nhưng cũng đủ hình thù màu sắc. Phàm những bạn cá nào trông sắc nét, tinh xảo thì y rằng là của lò gốm có tiếng tăm và giá thì rất cao. Có thể nói là cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của gốm Nhật. Đặc biệt là gốm của lò nhà nghệ nhân Kinjo Jjiro (金城次郎), nghệ nhân được coi là Quốc Bảo – 人間国宝 thì cao ngất ngưởng. Cái chén, cái bát con con của cụ làm có khi cũng lên đến hàng man (1 man tương đương khoảng 2 triệu VND). Đồ của cụ thì đắt như vậy, đồ của con cụ cũng không rẻ hơn mấy. Tớ mua được cái cốc uống nước tính ra cũng tiền triệu VND, khá cao nhưng coi như là một đồ kỷ niệm vì thấy thích bạn cá trên cốc này. Cốc này là do con út của cụ là Toshiyuki Kinjo (金城敏幸) chế tác.
Cốc vẽ cá tớ mua được :D
Lọ tăm nhưng tớ dùng để cắm hoa
Dưới đây là link các lò gốm thành viên của hiệp hội Gốm Tsuboya
https://tuboya.com/member/
Nhớ lại chuyến đi ngày ấy, không chỉ được ngắm gốm ở Okinawa mà cảnh sắc và đồ ăn ở đây cũng thật tuyệt. Biển, trời trong xanh, không khí trong lành sạch sẽ, thực phẩm phong phú, đa dạng, nhất là đồ hải sản và rong biển tươi ngon, thế nên người dân Okinawa có tuổi thọ trung bình cao nhất Nhật Bản. Người dân nơi đây trông ai cũng khỏe khoắn, tươi vui, nhịp sống trên đảo cũng tưng bừng, nhộn nhịp khác hẳn cái vẻ tĩnh lặng của vùng quê và cũng khác hẳn cái vẻ ồn ào náo nhiệt, “chen chúc” kiểu những đô thị lớn như Tokyo hay Osaka. Cũng có thể là do tớ đang đi chơi nên cảm nhận thấy vậy chăng?
Các bạn cá trong khu chợ, tươi roi rói
Sashimi siêu ngon
Ôi món cá nướng ròn rụm, siêu ngon
Thị bò cũng ngon nữa chứ
Vào khu thành cổ Shuri
(https://vi.wikipedia.org/wiki/Shurijo)
Những ngày Hà Nội vẫn đang giãn cách, nhớ những ngày ở Okinawa, không biết khi nào mới có dịp quay lại đây, quay lại làng gốm Tsuboya ấy.
Bên bức tường gốm ở Ryukyu mura
_______________________
Lược dịch và tổng hợp
https://www.athome-tobira.jp/story/068-takaesu-shohei.html
(Bài viết ngoài hình ảnh tớ tự chụp có một số hình ảnh trên internet được sử dụng để mình họa)