PHÁP LAM

PHÁP LAM

Pháp lam là gì? Vì sao đồ Pháp lam được nhiều người yêu thích?

Sở thích của tớ là Trà, Sách và Gốm, đó cũng là lý do để tớ mở ra không gian Tibisea đón các bạn cùng sở thích tới giao lưu, gặp gỡ trò chuyện về nó. Thế nhưng tớ cũng rất thích những đồ thủ công, những thứ đẹp đẽ khác. Lần đầu tiên tớ mua đồ Pháp lam là bộ bình đĩa Pháp lam vẽ hình bạn cú ở một tiệm gốm Nhật, khi đó tớ cũng chưa quan tâm đến dòng sản phẩm có tên là Pháp lam hay Shippoyaki, đơn giản là vì tớ thích cú và tớ thấy bình hoa cú đó đẹp :D

Bạn bình hoa cú của tớ đây

Rồi một lần khác khi vào một cửa hàng bán đồ Âu (đồ cũ) chuyên đèn Tifany có bày bán một số bình hoa kiểu chất liệu giống bình hoa cú, tớ cũng thấy đẹp nên hỏi mua, và khi ấy tên "Pháp lam" đã được ghi nhớ và tớ bắt đầu tìm hiểu về Pháp lam là gì.

Bộ 3 bình hoa tớ mua ở cửa hàng đồ Âu

Sau khi đọc các bài viết về Pháp lam, tớ tóm lược vài điều cơ bản nhất cùng chia sẻ với các bạn quan tâm về dòng sản phẩm này.

Pháp lang Trung Hoa

Nguồn gốc chế tác pháp lang Trung Hoa xuất phát từ nước Đại Thực (triều đại Hồi giáo thứ 3 của người Ả Rập) ở Tây Vực, du nhập vào Trung Hoa từ thế kỷ XIII. Vì thế tên gọi đầu tiên của loại chế phẩm này là Đại Thực diêu. Vì là sản phẩm quốc ngoại, nên người Trung Quốc gọi là Quỷ quốc diêu (đồ xứ Quỷ).

- Từ tên gọi ban đầu là Đại Thực diêu, hay Quỷ quốc diêu, qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, những đồ đồng tráng men này được đặt cho nhiều tên gọi khác nhau như: Phát lam, Phật lang, Phất lang, Pháp lang. Tên gọi Pháp lang là do từ Phát lam nói trại ra, bởi nguyên thủy những món đồ này thường được tráng men màu xanh lam.     

- Ngày nay, Pháp lang là tên gọi chung của tất cả các chế phẩm có thai cốt làm bằng đồng, được phủ một hoặc nhiều lớp men màu, rồi đem nung mà thành. Tùy theo phương pháp chế tác thai cốt (dán chỉ đồng hay chạm trổ trực tiếp lên cốt đồng) và phương thức tráng men (phủ men vào các ô trũng hay trực tiếp vẽ các họa tiết trang trí bằng men màu lên bề mặt cốt đồng) mà người ta phân ra 4 loại:

- Kháp ti pháp lang,

- Họa pháp lang,

- Tạm thai pháp lang,

- Thấu minh pháp lang.

Shippoyaki Nhật Bản(七宝焼き)

Từ cuối thời Minh (thế kỷ XVII), đồ Cảnh Thái lam và đồ Thấu minh pháp lang của Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản và người Nhật nhanh chóng nắm bắt kỹ nghệ chế tác hai dòng pháp lang này. Tuy nhiên, do khướu thẩm mỹ riêng biệt, người Nhật chỉ chuyên tâm sản xuất thấu minh pháp lang và gọi là Shippoyaki. Shippoyaki theo âm Hán Việt là thất bửu (bảo) thiêu, nghĩa là “bảy thứ quý thiêu đốt mà thành”. Danh xưng này chứng tỏ người Nhật coi pháp lang do họ làm ra như những báu vật trân quý.

Tuy tiếp thu công nghệ chế tác pháp lang từ Trung Hoa, nhưng đồ Shippoyaki của người Nhật đạt đến mức thượng thừa về mỹ thuật lẫn kỹ thuật. Điều thú vị là những món Shippoyaki do người Nhật sản xuất theo công nghệ phỏng chế của Trung Hoa lại được xuất khẩu trở lại vào Trung Quốc và rất được người Hoa ưa chuộng. Triệu Nhữ Trân, một nhà nghiên cứu mỹ thuật người Trung Hoa, tác giả cuốn Trung Quốc cổ ngoạn đại quan đã thừa nhận: “Đồ pháp lang (Trung Hoa), không sáng trong óng mượt như đồ thất bửu thiêu (Nhật Bản)... Sắc độ pháp lang sáng rỡ, nhưng không thấu minh. Sắc độ thất bửu thiêu nhờ thấu quang dưới lớp pha lê trong suốt nên sáng trong lóng lánh mượt mà” (Lý Thân dịch). Lý do của sự khác biệt này là do kỹ thuật chế tác: Pháp lang Trung Quốc dùng chất pha lê tán thành bột rồi trộn với các chất phát màu có gốc kim loại pha với chất dầu thành một thứ hồ nhão, phết lên bề mặt thai cốt khảm chỉ đồng rồi đem nung. Trong khi đó, người Nhật luôn tráng lót một lớp oxide chì hoặc oxide thủy ngân lên cốt để chống rỉ sét trước khi dùng màu tạo họa tiết, rồi mới đem nung. Nhờ vậy mà đồ Shippoyaki của Nhật bản luôn có độ bóng mượt lộng lẫy.

Từ đầu thế kỷ XVIII, người Nhật xuất khẩu đồ Shippoyaki đi khắp thế giới, nhiều nhất là sang châu Âu. Đây là thời kỳ người Nhật đạt đến đỉnh cao trong kỹ nghệ chế tác Shippoyaki. Họ chủ động tạo ra màu sắc, linh hoạt trong thể hiện họa tiết, sáng tạo trong kỹ thuật phối màu và tạo dáng sản phẩm một cách tinh tế. Nhật Bản là một dân tộc thích bài trí, sắp đặt. Do vậy, trong khi người Trung Hoa thích tạo ra những sản phẩm pháp lang kích thước lớn như lư, đỉnh, vạc, bồn, ... để tăng sự uy nghi, thì người Nhật lại thích tạo ra những chế phẩm xinh xắn như bình, lọ, hũ... dùng cho nhu cầu trang trí, bày biện trong nội thất, đặc biệt là các kiểu bình vẽ hoa điểu và muông thú.

Các bạn có thể xem thêm video sau giới thiệu về một bạn trẻ người Nhật theo đuổi nghề làm Shippoyaki.

Thực sự đó là công việc cực kỳ tỉ mỉ để làm ra được những sản phẩm tinh xảo làm người khác bị mê hoặc.

https://www.youtube.com/watch?v=YnW-TbAdJxo&feature=youtu.be&fbclid=IwAR0XCiRc3FdTSIPCJstvmxd2sR8I7GMwAGHcI6B7k16CCgk8AnrxrL2mN64

Pháp lam Huế

  • Về mặt chức năng, pháp lam Huế là một loại vật liệu kiến trúc, cốt làm bằng đồng, bên ngoài có tráng nhiều lớp men nhiều màu; tính năng chịu đựng các tác động ngoại lực, nhiệt độ, tác hại của mưa nắng và thời gian rất cao. Vì thế, loại vật liệu này thường được sử dụng để tạo thành các đồ án trang trí hình khối gắn trên đầu đao, đỉnh nóc, bờ quyết… của các cung điện; hoặc tạo thành các mảng trang trí phẳng, có hình vẽ phong cảnh, hoa cỏ, chim muông, thơ văn chữ Hán… gắn trên các dãi cổ diêm ở bờ nóc hay bờ mái các cung điện, trên các nghi môn trong hoàng cung và lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế. Đây chính là điểm khác biệt của pháp lam Huế (Việt Nam) với Pháp lam của các nước khác trên thế giới. 
  • Về mặt mỹ thuật, pháp lam Huế là những tác phẩm nghệ thuật có tạo dáng đa dạng, màu sắc rực rỡ, đề tài trang trí phong phú và sinh động. Đồ gia dụng, đồ tế tự và các vật phẩm làm bằng pháp lam trưng bày trong các cung điện, lăng tẩm ở Huế còn được coi là những cổ vật quý giá mà triều Nguyễn để lại cho hậu thế. 
  • Về phương pháp chế chế tác: pháp lam Huế chủ yếu chế tác theo kiểu:
  • Kháp ti pháp lam,
  • Họa pháp lam,
  • Tạm thai pháp lam.

Tóm tắt, tổng hợp và lược dịch:

http://hcmufa.edu.vn/tap-chi/thong-tin-my-thuat-so-13-14/phap-lang--phap-lam-va-Shippoyaki-/

http://covattinhhoa.vn/news/detail/378/may-trao-doi-ve-phap-lam-hue.cvth

https://www.youtube.com/watch?v=LIT7lW9z49U

https://www.youtube.com/watch?v=YoG2CdWg0oY

https://ja.wikipedia.org/wiki/%E4%B8%83%E5%AE%9D%E7%84%BC%E3%81%8D

Một số đồ Pháp lam ở Tibisea nhà tớ

Bình Shippoyaki Nhật

Bạn cú Pháp lam, hộp đựng tăm

Tranh Pháp lam Huế

Bộ đĩa Shippoyaki 3 bạn cú siêu yêu

PHÁP LAM
Chia sẻ bài lên