Có thể nói rằng gốm Việt đã từng có thời rất thịnh vượng, người Việt đã từng tạo tác ra các sản phẩm đẹp, có tiếng không chỉ ở trong nước mà còn cả ở thị trường nước ngoài, có lẽ cũng không thua kém gì gốm của Trung Quốc, Nhật Bản. Là một người yêu gốm, thích tìm hiểu về gốm tớ đã từng xem, mày mò nhiều về các dòng gốm Việt, tớ luôn ấn tượng với gốm hoa nâu, gốm hoa lam và gốm men ngọc của các cụ nhà mình thời xưa. Gốm Việt thời xưa giản dị nhưng thật đẹp, rất "có hồn" tức là nó đem lại cảm xúc cho người nhìn, người ngắm những tác phẩm đó. Hôm vừa rồi, những ngày đầu đông Hà Nội (tháng 12/2021) tớ đi xem triển lãm GỐM VIỆT NAM - MỘT TRUYỀN THỐNG RIÊNG BIỆT tại Bảo tàng lịch sử Quốc Gia đã gây ấn tượng mạnh với tớ, rất lâu rồi mới lại được ngắm nhìn những tác phẩm gốm đẹp đến vậy, nhất là gốm Việt. Thấy tự hào về gốm Việt nhà mình nhưng cũng không khỏi cảm giác tiếc nuối cho một thời vàng son đã qua. Tại sao gốm Việt thời nay không được như vậy?? Đó là câu hỏi mà tớ cứ hỏi mãi trong suốt nhiều năm mà chưa có được câu trả lời thỏa đáng cho mình.
Tớ đã viết bài tóm lược những nét chính về Gốm hoa nâu trên blog của Tibisea, gốm hoa lam tớ cũng đã tìm hiểu, đọc tài liệu về dòng gốm này nhưng phải đợi đến hôm nay, sau khi đi xem triển lãm về mới có đủ tinh thần để tổng hợp tiếp về Gốm hoa lam, một dòng gốm mà tớ yêu thích và ngưỡng mộ những tiền nhân trong những thế kỷ trước đã làm ra dòng gốm này.
Sự hình thành và phát triển của gốm hoa lam
Trong thời Lý – Trần, gốm hoa nâu, gốm men ngọc, gốm chạm đắp nổi đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật gốm đàn trên đất ta. Về kỹ thuật, người đương thời đã nâng cao được nhiệt độ nung, cũng như phương pháp nung. Có nơi đã biết dùng bao thơi. Kỹ thuật làm xương đất và tạo men đã có những bước phát triển mới. Màu men chưa phong phú, nhưng đã có bước nhảy vọt về mặt phẩm chất: men nâu đậm đà, men ngọc xanh mát và sâu thẳm.
Ngoài màu nâu lấy từ đá son chứa nhiều oxit sắt, một số loại oxit màu khác được dùng, kể ra, chúng cũng đã xuất hiện một cách phổ biến ở nhiều nước, trong đó có Trung Hoa. Màu lam, lấy từ oxit coban, cũng đã xuất hiện trên đồ sứ của nhiều nước. Được du nhập vào nước ta, nó xuất hiện trên đồ gốm có lẽ từ cuối thời Trần (thế kỷ XIV). Đây là loại gốm có độ nung cao hơn, có men trắng hơn, có kết cấu xương đất mịn hơn trước, thứ xương đất đã chớm chảy mà ta thường gọi là sành trắng.
Như vậy, với những đổi mới về chất liệu, về màu, cả về phương pháp và phong cách trang trí nữa, gốm ta giàu thêm một loại mới là gốm hoa lam.
Gốm hoa lam là gì?
Gốm hoa lam là thuật ngữ chỉ các loại sản phẩm gốm được trang trí bằng hoa văn màu lam, mà chất liệu phát màu chủ yếu là oxit coban. Gốm hoa lam, mãi đến nay, vẫn còn được sản xuất tại Bát Tràng, Chu Đậu, Móng Cái, Biên Hòa và nhiều lò thủ công khác.
Thực ra, việc định thời điểm xuất hiện của gốm hoa lam (thế kỷ XIV) cũng chỉ mới là phỏng đoán. Cứ liệu để phỏng đoán là một số đồ gốm hoa lam rất chỉnh chu, có niên đại rõ ràng: thời lê sơ (thế kỷ XV). Trước sự chỉnh chu đó, người ta ngờ rằng ắt phải có những bản không chỉnh bằng, và các bản đồ án đó hẳn phải ra đời sớm hơn, có thể là một thế kỷ trước, tức là khoảng cuối thời Trần (thế kỷ XIV). Có thực tế không? đó là vấn đề còn chờ câu giải đáp.
Điều khá chắc chắn là những chữ ghi ngày tháng, niên đại, tên người làm, trên một số đồ gốm hoa lam, còn lại đến nay, nói rõ ràng đến thế kỷ XV, dưới thời Lê sơ, gốm hoa lam phát triển mạnh, tạo ra được những sản phẩm có phẩm chất kỹ thuật cao, với nghệ thuật khá độc đáo, thu hút được người dùng, khiến nó thay thế dần các loại gốm hoa nâu nổi tiếng thời Lý – Trần.
Một khi đã có gốm hoa lam, thì gốm hoa nâu lại chịu ảnh hưởng của gốm hoa lam. Nhưng một số sản phẩm cho thấy rằng sự bắt chước này không thành công mấy, bởi lẽ màu nâu sắt không phù hợp với lối vẽ phóng bút như trong trường hợp vẽ bằng màu coban: chỉ cần một số màu rất ít, thì oxit coban vẫn phát màu đẹp; còn trong trường hợp oxit sắt, nếu pha ít màu nhạt, mà nhiều màu đậm, thì màu sẽ tạo ánh kim loại, gây cảm giác nặng nề, không hấp dẫn.
Gốm hoa lam xuất khẩu ra nước ngoài
Cùng với một số gốm màu phủ men nhẹ lửa, và gốm màu phủ men nặng lửa, gốm hoa lam đã được xuất ra nước ngoài dưới dạng hàng hóa hoặc tặng phẩm.
Sử sách, hiện vật bảo tàng, kết quả của một số cuộc khai quật khảo cổ học ở nước ngoài, đều cho thấy rằng đồ gốm ta thời ấy được xuất khẩu với số lượng khá lớn: hàng vạn sản phẩm đã đến vùng hải đảo hiện nay là Indonesia; đó là chưa nói đến những hiện vật có mặt tại các bảo tàng Nhật Bản, Indonesia, Anh, Philipine, Thổ Nhĩ Kỳ…
Theo nhà nghiên cứu Nhật Bản Fujico Kojima, xưa kia, trong trà đạo, người Nhật rất chuộng loại bát cổ vẽ trên men mà họ quen gọi là “Hồng An Nam”. Thư tịch lại cho biết rằng đã có một thời người Nhật còn bắt chước làm gốm “Giao Chỉ” để đáp ứng thị hiếu của tầng lớp trên.
Bức tranh về xuất khẩu đồ gốm Việt Nam càng rực rỡ hơn với việc phát hiện và khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm. Đây cũng là sự kiện khảo cổ học dưới nước đặc biệt ở Việt Nam. Kết quả khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm đã được phản ánh trong báo cáo khoa học năm 2000 của Phạm Quốc Quân, Tống Trung Tín (1999) và thông báo của Bound, Mensun (2001)
Số lượng hiện vật thu được qua khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm là hơn 240.000, không kể hàng vạn mảnh vỡ, hàng nghìn hiện vật đã bị trục vớt trái phép trước khi khai quật khảo cổ là một con số khổng lồ. Trong số hàng hóa này có cả một số gốm Champa, Trung Quốc và Thái Lan, được nhiều nhà nghiên cứu nhận định là đồ dùng của thủy thủ đoàn. Phần còn lại là hàng hóa gốm Việt Nam có nguồn gốc sản xuất ở vùng Hải Dương và Thăng Long, phía Bắc Việt Nam.
Niên đại con tàu cũng được các nhà khoa học thảo luận. Ở Việt Nam, các ý kiến đều cho là khoảng giữa tới cuối thế kỷ 15, dưới thời Lê Sơ. Ý kiến về niên đại này khác hẳn với Butterfiels, cho vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 (Butterfilds SanFrancisco, 2000).
Vậy, nghệ thuật và kỹ thuật gốm hoa lam có những đặc điểm gì nổi bật?
Nghệ thuật và kỹ thuật gốm hoa lam
Có thể nói rằng nghệ thuật gốm hoa lam là dấu mốc lớn thứ ba trên dòng phát triển của ngành gốm Việt Nam. Một dấu mốc về cả hai mặt kỹ thuật và nghệ thuật, sau gốm đất nung nổi tiếng thời sơ sử, và gốm sành xốp thời Lý – Trần.
Về mặt kỹ thuật, gốm hoa lam phần lớn không còn là gốm sành xốp hoặc gốm đàn nữa. Phần lớn gốm hoa lam thuộc loại sành trắng, cũng gọi là sành cứng, bán sứ, xương đất mịn, do đất được lọc luyện kỹ; men tro trấu và một số men đá đã được dùng một cách phổ biến hơn, nên sản phẩm có độ trắng cao hơn, men cũng đều và bóng hơn.
Do nhiệt độ nung cao hơn, nên xương đất đã chớm chảy, kết cấu hạt chặt chẽ, mịn màng, khiến xương gốm có độ cứng cao hơn, và có điều kiện để trở nên mỏng hơn.
Để tiết kiệm chỗ trong lò nung, một số sản phẩm thông dụng được chồng lên nhau: trong trường hợp này, người thợ gốm phải cạo sẵn men ở trôn và lòng của sản phẩm, không phải viện đến “con kê” như ta thường gặp trong trường hợp gốm men ngọc. Kỹ thuật này đã có ảnh hưởng nhất định đến nghệ thuật gốm, tạo tiền đề cho sự ra đời của một phong cách trang trí mới, một kiểu hình dáng mới.
Cũng trong thời kỳ này, đã xuất hiện những làng gốm thủ công mang tính chất chuyên môn hóa. Vai trò của người làm gốm được đề cao hơn trước, bằng chứng là người thợ gốm được ghi tên mình và niên đại tạo tác lên sản phẩm.
Về nghệ thuật của gốm hoa lam, điều phải nói trước tiên là nghệ thuật vẽ hoa bằng bút lông, với phong cách phóng khoáng, sinh động của lối vẽ phóng bút và công bút.
Kỹ thuật vẽ được đưa vào gốm hoa lam để thay thế một kỹ thuật trang trí gốm cổ hơn vốn được sử dụng phổ biến trên đồ gốm thời Lý – Trần, tức lối khắc nét chìm trên xương đất và tô nâu.
Kỹ thuật vẽ cũng đã tạo ra những phong cách mới cho nghệ thuật trang trí, bằng cách khai thác những nét độc đáo trong nghệ thuật dùng bút lông của người viết chữ nho và chữ nôm. Có thể nói rằng, với gốm hoa nâu, người thợ gốm sử dụng bút lông và màu còn ở dạng tô, nhưng đến gốm hoa lam thì đã chính thức là vẽ, với đúng nghĩa của chữ ấy.
Nghệ thuật vẽ không chỉ hàm ý việc sử dụng bút, mà còn phụ thuộc vào màu nữa. Những người chuyên viết chữ nho, hay chuyên vẽ “quốc họa” ở Trung Hoa thời xưa, khi nói tới vẽ, thường gắn bút với mực. Nếu chỉ có bút tốt, có kỹ thuật điêu luyện, mà không có mực tốt, thì cũng khó mà vẽ được như ý muốn.
Mực, trong tranh và màu trong gốm hoa lam là một yếu tố rất quan trọng. May sao màu lam coban, bởi sức phát màu mạnh đã đáp ứng được điều này. Do sử dụng ngọn bút khi mạnh khi nhẹ, hoặc do dùng màu loãng hay đặc, mà trong một nét bút thôi, người trang trí gốm có thể tạo ra độ đậm nhạt khác nhau của màu lam.
Một số đề tài trang trí chính có thể được kể đến như:
- Hình tượng con người xuất hiện với tiên Ông, tiên Bà, những quý tộc trong lầu son gác tía, cụ già thả câu, trai gái chèo thuyền, một chiếc ô xoè rộng chở che cho đôi uyên ương quá giang như diễn tả một đám cưới trên sông. Đây là cảnh chiến binh trên lưng ngựa, kia là cảnh trẻ nhỏ đùa vui, cưỡi trâu thổi sáo.
- Hình tượng động vật có từ loài linh vật: long, lân, quy, phượng, cho đến các loài thú vùng nhiệt đới: sư tử, voi, ngựa, trâu, bò, khỉ, hươu, chim đại bàng, vẹt, chích chòe, chào mào, sáo, bói cá, vịt, thiên nga, chim sâu, dơi. Trong số này, hình tượng con ngựa được thể hiện rất tuyệt vời trên nhiều loại hình như kendy, bình tỳ bà, đĩa cỡ lớn, với nhiều tư thế khác nhau như phi nước đại, bay trong mây, cùng ông quan đội mũ cánh chuồn, người cưỡi ngựa sau có người hầu. Ngựa có cánh diễn tả như trong tư thế đang bay, phải chăng đã hoá thân từ huyền thoại Thánh Gióng đánh giặc Ân của dân tộc Việt. Hơn nữa, hình tượng ngựa trên gốm Cù Lao chàm còn ít nhiều mang màu sắc tôn giáo như con ngựa trong văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc.
- Các loài thuỷ tộc có rắn, cá chép, cá măng, cá trê, tôm, cua, ếch, nhái… đều được bố cục trong bối cảnh sinh thái.
- Phong cảnh sơn thuỷ, nhà cửa, chùa tháp, cung điện như ghi lại những hình ảnh kiến trúc đương thời. Đặc biệt, trên một âu hũ tròn có vẽ cảnh một phụ nữ đang tắm, khuất lấp sau một khóm cây có một chú nhỏ trèo lên ngó trộm, một người đàn ông ngoảnh mặt đưa quần áo cho người phụ nữ với vẻ ngượng ngùng. Đây là một cảnh sinh hoạt dân gian còn thấy xuất hiện trên nhiều chất liệu khác trong nghệ thuật cổ Việt Nam. Đáng chú ý hơn, lần đầu tiên chúng ta thấy xuất hiện cảnh trai gái làm tình vẽ trên một chiếc đĩa hoa lam. Chỉ trong một diện tích hẹp của loại đĩa nhỏ, đường kính 12,5cm, nghệ nhân đã thể hiện rất tài tình, một cặp trai gái, một khuôn mặt nhìn nghiêng và một khóm lá tre .
- Hoa lá, cây cối là đề tài phổ biến với các lọai hoa sen, hoa cúc, mẫu đơn, tùng, mai, trúc… cho đến cả tàu chuối, nhánh rong, cọng rau muống.
- Đề tài phong cảnh sơn thuỷ, tùng đình hay tam hữu, tứ linh, tứ quý tuy phảng phất ảnh hưởng trang trí trên gốm sứ thời Minh nhưng không hề thấy một nguyên mẫu tích cổ Trung Hoa, càng tỏ rõ truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.
- Đồ gốm hoa lam kết hợp với vẽ nhiều màu trên men qua lần nung thứ 2 như trên đĩa, bát, kendy, lọ tỳ bà (yuhuchun), chén quả đào, tượng người, hộp... Trong số này, đĩa có rất nhiều kích thước khác nhau, đường kính có chiếc tới 50cm, nhưng phổ biến trên dưới 25cm. Trang trí vành đĩa vẽ cành rau, nhánh lá, lòng đĩa vẽ nhiều cảnh động vật như chim công, vạc, nghê, cá chép vượt Vũ Môn, cá hóa rồng, hươu trên đồng cỏ, đôi chích chòe bên khóm trúc, đàn vịt bơi trong hồ sen… Đặc biệt hơn, gốm hoa lam còn kết hợp với trang trí vàng kim. Thí dụ loại tỳ bà cao 26cm, ngoài các đề tài hồi văn, mây và sóng nước còn có 3 lớp trang trí nổi ô hình lá đề, bên trong là chim vẹt và cành lá, kỳ lân….Một trường hợp rất đáng chú ý như bức tượng người phụ nữ quý tộc, cao 37,6cm, là tượng nghệ thuật thuộc loại hiếm và quý. Tượng ở tư thế đứng, mặt nhìn thẳng, tóc búi cao, trang trí nhiều bông hoa mai tròn nổi, khuôn mặt thanh tú, mi cong, mũi thẳng, tai dài, hai tay nâng một chiếc bình trước bụng, xiêm áo nhiều lớp, bao lưng có dải tua dài. Trang trí trên tượng vẽ lam kết hợp vẽ nhiều màu và vàng kim trên men. Đề tài vẽ lam và nhiều màu là chim phượng, hoa cúc, hoa sen, mây cuộn… Tuy phần vẽ nhiều màu đã bay, chỉ còn lại dấu vết nhưng dấu tích vẽ vàng kim còn lại nhiều chỗ trên thân tượng.
Qua sáu – bảy thế kỷ tồn tại và phát triển cho tới ngày nay, không phải lúc nào gốm hoa lam cũng đạt được những đỉnh cao về phong cách, bút pháp và đề tài trang trí. Tùy độ phát triển của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử, tùy quan niệm thẩm mỹ của con người trong từng thời, gốm hoa lam có những thay đổi về nội dung trang trí, bút pháp cũng như kỹ thuật thể hiện: bút pháp phóng khoáng, bay bướm, thành thạo, với những dải đồ án mang tính chất truyền thống, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII: lối vẽ rời rạc, mô phỏng các họa tiết trang trí chạm khắc hay đắp nổi hồi cuối thế kỷ XVIII, những đồ án trang trí hướng về tả thực của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX; lối vẽ tỉ mỉ như “đề can” của thời sau này.
Cá nhân tớ thấy gốm hoa lam hiện nay được sản xuất ở Bát Tràng và Chu Đậu đã có nhiều nét phá cách, đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng dường như nó vẫn cứ thiếu thiếu, nó không đem lại "cảm xúc" cho một người yêu gốm truyền thống như tớ. Có quá nhiều sản phẩm đồng loại, bị "nhái đi nhái lại" về kiểu dáng và hoa văn, hoặc được vẽ màu mè, dát vàng đủ loại, nó thiếu hẳn cái nét giản đơn mà tinh túy của cha ông đã từng làm được. Tớ luôn mong những người làm nghề gốm ở các làng nghề có thể tìm hiểu thật kỹ những kỹ thuật của thời xưa để tái tạo ra được những sản phẩm mang đậm tính gốm Việt của mình, phải mang lại dấu ấn như những gì cha ông đã làm được với gốm hoa nâu, gốm hoa lam ấy...
______________________
Tóm lược và tổng hợp
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/69604/djo-gom-hoa-lam-viet-nam-the-ky-15-16.html
(bài viết chi tiết, có hình ảnh minh họa trên trang của BTLS)
https://gomsuu.com/vai-net-ve-gom-hoa-lam-viet-nam/
_______________________
Một số hình ảnh gốm hoa lam tớ chụp tại Triển lãm Gốm Việt Nam - Một truyền thống riêng biệt và phòng trưng bày hiện vật của BTLSQG
Các bạn có thể xem thêm các tác phẩm gốm khác trong Triển lãm trong post của Fanpage Tibisea trên Facebook
https://www.facebook.com/media/set/?vanity=tibisea&set=a.423769632674403